Hồi còn công tác, thầy giữ chức vụ tương đương Tổng cục trưởng. Học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ đủ cả. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Xuất bản hơn chục đầu sách chuyên môn khoa học. Sáng tác cả tiểu thuyết, kịch bản sân khấu được nhiều người biết đến, nể trọng. Ở tuổi thất thập, thầy đang viên mãn với cuộc sống gia đình hạnh phúc. Một người đúng là “chung, riêng vẹn cả hai bề”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Vietnam+ 

Trong con người thầy hội tụ tương đối đầy đủ, hài hòa vẻ đẹp chững chạc, từng trải của một nhà quản lý; sự mực thước, mô phạm của một nhà giáo; sự thông minh, tinh tế pha chút hài hước, sôi nổi của một nghệ sĩ và sự nhã nhặn, khiêm cung của một bậc túc nho. Mỗi lần gặp thầy trực tiếp trò chuyện hay trao đổi qua tin nhắn với thầy trên Zalo, bao giờ thầy cũng xưng mình là “tôi” và gọi tôi là “anh”. Lúc đầu, tôi không khỏi ái ngại với cách xưng hô này bởi mới thoạt nghe có vẻ khách sáo, dễ tạo ra khoảng cách giữa hai người hơn kém nhau hơn hai chục tuổi nên tôi nhã nhặn đề nghị thầy gọi tôi là “em” và cho tôi xin phép gọi thầy là “thầy”. Thầy nhìn tôi trìu mến, cười bảo: “Chúng ta gặp nhau, biết nhau cũng là cái duyên vì công việc. Anh đang đương chức, còn tôi đã về hưu lâu rồi. Tôi đã mấy chục năm đứng trên bục giảng, có hàng ngàn học trò, nhưng chưa một lần được hướng dẫn, giảng dạy anh với tư cách là người thầy. Có lẽ anh gọi tôi là “thầy” vì anh cũng như bao người khác luôn mang trong mình tình cảm đạo lý tôn sư trọng đạo. Vì thế, tôi cũng như bao nhà giáo có may mắn, vinh dự hơn các thành phần xã hội khác là được nhiều người quý mến, cung kính gọi là “thầy”.

Nói đến đây, dừng giây lát rồi thầy bộc bạch: Nhưng cũng chỉ vì hiểu chữ “thầy” đôi khi chưa đúng, chưa thấu đáo nên có người đã ảo tưởng về chữ “thầy”, từ đó có những suy nghĩ, hành xử chưa tương xứng với tư cách, vị thế và đạo làm thầy. Trong thời phong kiến, địa vị người thầy chỉ đứng sau vua và đứng trước cả người cha (quân-sư-phụ) đã phần nào nói lên vai trò đặc biệt của người thầy trong xã hội. Nhưng thời nay, quan niệm đó chưa phù hợp vì điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, trình độ dân trí, môi trường dân chủ đã làm cho các mối quan hệ của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội trở nên bình đẳng hơn. Do đó, người thầy thời nay-dù vẫn có địa vị nghề nghiệp quan trọng trong xã hội-nhưng không còn đóng vai trò trung tâm như thời xã hội nông nghiệp cổ truyền trước đây. Nhận thức đúng vai trò của mình là cơ sở để nhà giáo giao tiếp, ứng xử và giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách đúng đắn, hài hòa, tránh ảo tưởng về bản thân, nghề nghiệp của mình.

Vốn là người nặng tình với nhân tình thế thái, thầy chia sẻ với tôi: Thời gian qua, mỗi lần nghe báo chí, truyền thông đưa tin ông hiệu trưởng này tham ô, bà hiệu phó nọ hủ hóa, ông giáo kia dâm ô học trò, thậm chí có cả chuyện thầy giáo đánh đấm học trò, hiệu trưởng tát hiệu phó đến mức sưng tấy cả mặt mày, phải nhập viện chữa trị... mới thấy không phải ai gắn bó với nghiệp “bảng đen, phấn trắng” cũng là người mực thước, mô phạm. Một trong những lý do sâu xa là một bộ phận nhà giáo cũng có biểu hiện ảo tưởng quyền lực nghề nghiệp, tưởng mình làm nghề cao quý, sang trọng trong xã hội nên đôi khi thiếu nhã nhặn, khiêm nhường, chừng mực trong cả lời nói và việc làm, thái độ và hành vi, từ đó làm méo mó hình ảnh nhà giáo, làm tổn thương văn hóa sư phạm. Do đó, muốn xã hội thật sự quý mến, kính trọng người thầy thì mỗi nhà giáo phải thật sự khiêm tốn, cầu thị, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tu thân tích đức, coi trọng văn hóa ứng xử lành mạnh từ nhà trường ra xã hội.

PHÚC NỘI