Thời gian qua, 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động đi tắt đón đầu xu thế, mở rộng hợp tác cùng doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo theo đơn đặt hàng… để đào tạo ra nhiều lao động tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

UBND TP Hà Nội cũng phối hợp cùng các đơn vị liên quan như: Sở Lao động TB&XH, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Thành đoàn để nỗ lực đưa giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Thủ đô ngày càng vững mạnh. Từ đó, các cơ sở GDNN sẽ tự chủ động cho riêng mình một chiến lược phát triển GDNN phù hợp bài bản, khả thi theo hướng tiếp cận thị trường lao động.

Thời đại của lao động trẻ giỏi có tay nghề

Xuất sắc đạt giải nhất Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 ngành Quản trị mạng, em Doãn Tuấn Phong (Cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) cảm thấy vô cùng may mắn vì mình là một trong những lao động trẻ có tay nghề. 

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trao Huy chương Vàng cho em Doãn Tuấn Phong (thứ 3 từ phải sang) và các thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 - Hội đồng thi quốc gia số 5. Ảnh NVCC

Tuấn Phong cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp, em đã được doanh nghiệp "đặt hàng" và trả mức lương cơ bản hơn 15 triệu đồng (chưa tính thưởng, doanh số và hiệu suất công việc…). Thị trường lao động hiện rất đông dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, song, lao động có chuyên môn tay nghề có kỹ năng lại rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có đủ. 

Tương tự, em Trịnh Thị Lan (Giải nhất Kỹ năng nghề quốc gia năm 2022 ngành Thiết kế đồ hoạ) cũng khẳng định, nhờ được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghề; chấp hành tốt kỷ luật - đạo đức nghề nghiệp; biết ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ văn phòng, ngoại ngữ giao tiếp, em đã tự tin bước vào thị trường lao động khắc nghiệt. 

“Năng lực thực hành mới là điều các doanh nghiệp cần ở một lao động có tay nghề cao. Nó phản ánh đúng mục đích học tập, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp trong thời đại 4.0”,  Lan nhấn mạnh. 

leftcenterrightdel
Em Trịnh Thị Lan (thứ hai từ phải sang) giành Giải nhất Kỹ năng nghề quốc gia năm 2022 ngành Thiết kế đồ họa. Ảnh NVCC

Với thị trường lao động phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức và năng lực lao động.

Ông Lê Văn Hùng, Phó phòng Đào tạo và Quản lý học sinh sinh viên, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường đều tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2021 đạt 90%, năm 2022 đạt 95% và tính đến tháng 9-2023 là 96%. 

leftcenterrightdel
 Ông Lê Văn Hùng, Phó phòng Đào tạo và Quản lý học sinh sinh viên, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh NVCC

Theo ông Hùng, hiện nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã phối hợp cùng 100 doanh nghiệp khác trong tuyển dụng, đào tạo học viên; 100% sinh viên của trường đi thực tập tại các doanh nghiệp ngay từ năm thứ 2. Học viên chuyên ngành Công nghệ ô tô và Cơ điện tử ở trường được đào tạo song hành cùng tập đoàn Vinfast. Sau khi kết thúc đào tạo thì 100% sinh viên được Vinfast tuyển dụng làm việc tại tập đoàn này.

leftcenterrightdel
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cùng tập đoàn Vinfast phối hợp đào tạo 2 lĩnh vực Công nghệ ô tô và Cơ điện tử. Ảnh: NVCC

Năm 2022, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội liên kết với Tập đoàn Công nghệ thông minh Tô châu Funa AI (Trung Quốc), đào tạo 138 sinh viên khóa 1; sau khi kết thúc đào tạo, 138 sinh viên này đã được Tập đoàn Luxshare (Đài Loan, Trung Quốc) nhận thực tập và làm việc tại tập đoàn.

Năm 2023, trường tiếp tục liên kết với Tập đoàn Công nghệ thông minh Tô châu Funa AI (Trung Quốc) đào tạo khoá 2, với 208 sinh viên; khoá 3 với 197 sinh viên. Những học viên này sẽ lần lượt đi thực tập và làm việc tại tập đoàn Cowain, Justech, Luxshare vào tháng 12-2023 và tháng 2-2024. 

Ông Hùng cho rằng, GDNN phải phát triển theo từng trình độ chú trọng đến 8 bậc trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tiếp đó là hướng tới nhu cầu và kỹ năng của mỗi một người học. Cũng nhờ vậy mà nhà trường luôn đứng xếp thứ hạng đầu tiên trong các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố.

leftcenterrightdel
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Học viện kỹ thuật nghề Nam Ninh Trung Quốc ký kết mở Học viện đào tạo nghệ nhân thông minh (9-2023). Ảnh NVCC

Gắn kết thị trường lao động - ổn định sản xuất cho doanh nghiệp

Trong báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Đào tạo lao động là chỉ số đo lường sự nỗ lực của Thành phố trong đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp”.

Theo ông Tuấn, trên địa bàn Thành phố hiện có 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, toàn Thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 508.000 lượt người (trình độ cao đẳng 67.200 người; trung cấp 72.290 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 369.300 người), góp phần vào việc cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Sinh viên được giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Thành phố luôn đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp.

Việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%, trong đó một số ngành nghề khi học sinh ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2020 là 70,25% đến nay đạt 72,23%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2022. Kết quả tuyển sinh, đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao. Năm 2021, chỉ số điểm PCI đạt 68,6 điểm đứng thứ 10 toàn quốc, trong đó chỉ số đào tạo lao động đạt 7,85% điểm đứng thứ nhất toàn quốc.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa... 

Đại diện Sở Lao động TB&XH cũng cho biết, Sở đã phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kế hoạch và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho trên 30.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phối hợp với Thành đoàn Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác và phiên giao dịch việc làm thanh niên, thu hút sự tham gia của 48 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề với 3.328 chỉ tiêu (gồm: 2.528 chỉ tiêu tuyển dụng, 800 chỉ tiêu tuyển sinh và 450 chỉ tiêu xuất khẩu lao động), mức lương từ 5-20 triệu đồng/tháng. 

Trong kỷ nguyên số, lao động nào có tay nghề bậc cao, có chuyên môn phù hợp với các ngành dịch vụ thì lao động đó sẽ được "trải thảm đỏ". Vì vậy, nâng cao chất lượng GDNN Thủ đô sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Bài, ảnh: ANH ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.