Điều hiển nhiên tưởng như ai cũng biết, nhưng nhiều năm qua, nền KHCN nước nhà vẫn khó phát triển bởi một trong những nguyên nhân chủ yếu là thủ tục hành chính như “ma trận” khiến người làm khoa học phải tìm mọi cách để đối phó. Bức xúc trước tình trạng này, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân từng bày tỏ thẳng thắn: Những bất cập trong cơ chế tài chính khiến các nhà khoa học thường xuyên “nói dối”, vật vã với chứng từ, làm hồ sơ quyết toán nhiều khi còn dày hơn cả hồ sơ công trình nghiên cứu.

Làm khoa học mà rơi vào tâm thế phải “nói dối” là cực chẳng đã, là trái với lương tâm của giới nghiên cứu vốn giàu lòng tự trọng và luôn đề cao đức tính trung thực. Cũng như văn nghệ sĩ, “cơm áo không đùa” với nhà khoa học. Để làm một công trình khoa học, ngoài phải thực hiện nhiều bước như đăng ký, xét duyệt, hoàn thiện, thẩm định, muốn được thanh quyết toán thì nhất thiết các nhà khoa học phải làm đủ loại biểu mẫu, giấy tờ, chứng từ, hồ sơ quyết toán... rất nhiêu khê. Vấn nạn thủ tục “hành là chính” không chỉ làm hao tâm tổn lực các nhà khoa học, gây ra sự lãng phí chất xám, mà còn là một trong những lực cản chủ yếu khiến nền KHCN nước nhà khó có cơ hội phát triển bứt phá như chúng ta mong muốn.

Muốn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ thì các nhà khoa học phải được làm việc trong một môi trường cởi mở, thuận lợi... Ảnh minh họa/moit.gov.vn 

Thấy rõ hệ lụy nghiêm trọng của điểm nghẽn cơ chế, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, kiên quyết xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển KHCN.

Thể chế là những quy định, luật lệ của một chế độ buộc mọi người, mọi tổ chức phải tuân theo. Nếu thể chế làm ra chỉ nhằm mục đích quản lý mà không chú trọng tạo không gian phát triển thì sẽ khó thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh. Ngược lại, nếu thể chế lấy mục đích kiến tạo làm chính; còn quản lý nhằm thúc đẩy sự kiến tạo phát triển thì các ngành nghề, lĩnh vực mới có cơ hội bứt phá và xã hội chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.

Người ta ví thể chế phải như đôi bàn tay nâng niu, dìu dắt cho sự phát triển, chứ không phải là “vòng kim cô” cương tỏa, trói buộc sự phát triển. Đó cũng là lý do để người đứng đầu Đảng ta khẳng định dứt khoát: Kiên quyết xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm! Vì tư duy này chỉ mang lại quyền lợi cho nhà quản lý và cơ quan chức năng, nhưng lại gây khó cho người dân và doanh nghiệp.

Trở lại câu chuyện tháo gỡ điểm nghẽn thể chế cho KHCN phát triển. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nếu các ngành, các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm vẫn còn tâm lý “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” để gây phiền hà cho giới nghiên cứu thông qua thủ tục “hành là chính” thì nền KHCN nước ta lại tiếp tục loay hoay và khó tiến triển.

Và nếu xảy ra như vậy, những nhà khoa học chân chính dễ lâm vào hoàn cảnh loanh quanh, luẩn quẩn, khó tìm ra lối thoát khả dĩ-như nỗi niềm bài ca dao mà dân gian đúc kết: “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào leo ra”.

NGUYỄN VĂN THI

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.