Giải pháp tạm thời từ địa phương

 Tại tỉnh Lạng Sơn, năm học 2023-2024, UBND tỉnh giao tuyển 1.669 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để bổ sung số giáo viên đang thiếu cho các cấp học. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học phí đối với giáo viên đi đào tạo đại học văn bằng 2. Ngoài ra, UBND tỉnh thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để tạo nguồn tuyển sinh... Đồng chí Ninh Thu Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Phòng GD-ĐT huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu bố trí cho giáo viên dạy liên trường, liên cụm trường, liên cấp chủ yếu là giáo viên THCS dạy các trường tiểu học; thực hiện chế độ hợp đồng thỉnh giảng cho giáo viên; tham mưu cử 10 giáo viên tham gia đào tạo văn bằng 2 theo đề án của tỉnh để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

leftcenterrightdel
 Một tiết học tại Trường Tiểu học xã Châu Sơn (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).

Còn ở hai huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng là Bảo Lâm, Bảo Lạc, hiện tại, đội ngũ giáo viên môn Ngoại ngữ cấp tiểu học vẫn chưa đáp ứng được việc dạy và học trực tiếp. Để giải quyết tình trạng này, hai huyện đã tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương, như: Dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; đưa học sinh ở các điểm trường khó khăn về điểm trường thuận lợi để dạy học; luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của giáo viên khi thực hiện việc điều động, luân chuyển... Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương về việc điều động giáo viên đi tăng cường, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: “Khi điều động giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn mà không cho biết thời điểm được quay trở lại thì họ khó có thể yên tâm công tác. Tại huyện Bảo Lạc, khi điều động giáo viên đi tăng cường, chúng tôi xác định rõ thời gian cụ thể và bảo đảm chắc chắn họ được quay trở về đúng thời hạn”.

Nhiều địa phương khác cũng đang thực hiện các giải pháp mang tính tạm thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Nâng cao điều kiện sống, giảm áp lực cho giáo viên

 Có thể thấy, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD-ĐT đang đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học với mức tăng 5-10%, nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo. Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: Hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu...

Đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn đề nghị: “Chính phủ sớm thực hiện chế độ cải cách tiền lương, bảo đảm cuộc sống, cân đối giữa thu nhập của giáo viên với các công việc khác. Bổ sung các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để tuyển dụng, thu hút, giữ chân giáo viên, nhân viên; nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, tiểu học, nâng cao thu nhập để giáo viên gắn bó với nghề”.

 Trong quá trình đi thực tế tại các địa phương, khảo sát nội dung “Làm thế nào để giảm áp lực cho nhà giáo?”, chúng tôi đã thu được hàng chục đề xuất của các thầy cô, như: Cần có chế tài thưởng/phạt phân minh đối với nhà giáo và đối với học sinh; cần có sự đánh giá giáo viên/học sinh thực chất hơn, không chạy theo thành tích; phạt nặng các hành vi tuyên truyền trên mạng xã hội về những câu chuyện ở trường học khi chưa rõ thực hư; cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về những tấm gương nhà giáo mẫu mực, những nhà giáo không ngại khó, ngại khổ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục; cần lắm sự góp sức từ xã hội và các nhà quản lý để chia sẻ những áp lực...

Định hướng lâu dài

“Để tháo gỡ khó khăn đối với tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT cần có ý kiến với các cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP theo hướng bố trí kinh phí thu hút cho việc đặt hàng giáo viên đạt hiệu quả, giải quyết vướng mắc việc thiếu giáo viên, nhất là giáo viên môn Tin học, ngoại ngữ ”, PGS, TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra đề xuất.

Một cách làm hay cần nghiên cứu như trường hợp tỉnh Vĩnh Long. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp, tỷ lệ học sinh trên lớp, cơ cấu viên chức theo quy định. Đồng thời, chính sách tinh giản biên chế và điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đã được tỉnh quan tâm thực hiện một cách có lý, có tình nên đến nay, tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh Vĩnh Long không quá bức thiết".

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập, nhưng ít nhất phải bảo đảm mức sống để giáo viên có thể sống bằng nghề”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - ĐỨC THỊNH - HỒNG ANH (hết)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.