Theo số liệu thống kê, hiện nay ngành giáo dục đang thiếu hơn 118.000 giáo viên ở các cấp học tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học ở cùng một cấp học, giữa các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến ở các môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...

Giáo viên phải “chạy sô” nhiều trường

Tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương, trường học phải “giật gấu vá vai”, co kéo để có thầy, cô giáo đáp ứng công tác dạy học. Là giáo viên biên chế dạy môn Tin học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Châu Sơn (Đình Lập, Lạng Sơn), tuy nhiên thầy giáo Hoàng Minh Thành vẫn phải “chạy sô” kiêm nhiệm thêm môn Tin học cho Trường Tiểu học xã Châu Sơn và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học II xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn). Thầy Thành chia sẻ: “Tôi phụ trách dạy thêm môn Tin học cho hai trường tiểu học, trong đó có thêm hai điểm trường lẻ nên việc đi lại rất vất vả. Vì thiếu giáo viên nên học sinh phải học dồn, học ghép”.

leftcenterrightdel

Do thiếu giáo viên Ngoại ngữ nên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng), giáo viên vừa dạy trực tiếp tại điểm chính vừa kết nối dạy online tại điểm lẻ. 

Mặc dù học kỳ I năm học 2023-2024 đã kết thúc, nhưng các em học sinh Trường Tiểu học xã Quảng Lâm (Bảo Lâm, Cao Bằng) vẫn chưa được học môn Ngoại ngữ. Cô Bế Thị Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có hơn 900 học sinh, tuy nhiên nhiều năm nay vẫn chưa có giáo viên môn Ngoại ngữ. Vì vậy, chúng tôi phải chờ đến khoảng tháng 4, khi các trường ở huyện khác dạy xong chương trình, lúc ấy mới có giáo viên lên hỗ trợ dạy môn Ngoại ngữ. Chương trình của cả một năm học bị nhồi nhét trong vòng hơn một tháng nên khó có thể bảo đảm chất lượng”.

Còn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) chỉ có một giáo viên Ngoại ngữ là cô Hoàng Thị Kim Huệ, nên cô phải đảm nhiệm cả hai cấp học với một điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Có những điểm trường ở xa, không thể đến dạy trực tiếp nên cô trò phải dạy và học online. Theo cô Huệ, các em học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu môn Ngoại ngữ còn chậm, vì vậy dạy online thật sự chỉ là “dạy cho có” chứ không hiệu quả. 

Không chỉ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nhiều địa phương trên cả nước cũng gặp phải tình trạng này.

Hơn 13.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm

Gần 10 năm gắn bó với nghề, với các em học sinh, việc phải xin nghỉ việc đối với cô Hà Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng) vô cùng khó khăn. Từng ngón tay run run khi viết đơn xin nghỉ việc, cô Hoa không cầm được nước mắt: “Lương của tôi sau gần 10 năm giảng dạy và hết hỗ trợ thu hút chỉ còn hơn 6 triệu đồng, không đủ để nuôi hai con đang tuổi ăn học và bố mẹ già. Năm học 2022-2023, tôi lại được phân công lên công tác tại điểm trường Cà Lò, một trong những điểm trường xa nhất, điều kiện sinh hoạt vất vả, không thể đi về trong ngày chăm lo gia đình nên tôi buộc phải lựa chọn nghỉ việc. Không bao giờ tôi nghĩ phải rời xa bục giảng trong hoàn cảnh này”.

leftcenterrightdel
Để đến được điểm trường Nặm Miòng, Trường Tiểu học xã Quảng Lâm (Bảo Lâm, Cao Bằng), các cô giáo phải dắt xe gần 3km đường đèo dốc.  

Các cô giáo Nông Thị Xuân, Vi Thị Hồng của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học II xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn) lại xin nghỉ việc vì lý do khác. Theo Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 1-7-2020, giáo viên bậc tiểu học và THCS phải có trình độ đào tạo đại học trở lên, trong khi các cô đã ngoài 50 tuổi, chỉ vài năm nữa là nghỉ hưu nên ngại đi học lên, mà nếu tiếp tục đi làm thì không được đứng lớp, vì vậy các cô đã chủ động xin nghỉ hưu sớm.

Còn cô giáo Nông Thị Tình, dạy tại điểm trường Khe Luồng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học II xã Kiên Mộc lại có nguyện vọng xin nghỉ việc vì sau lần cô bị tai nạn xe máy khá nặng trên đường tới trường, việc đi lại phải phụ thuộc vào chồng. Cô Tình đã hai lần viết đơn xin nghỉ, nhưng vì thiếu giáo viên nên nhà trường động viên cô tiếp tục công tác.

Mỗi thầy, cô giáo khi quyết định xin nghỉ việc đều có những nguyên nhân và câu chuyện riêng, song hầu hết đều xuất phát từ điều kiện công tác, chế độ thu hút, đãi ngộ, áp lực từ công việc và cuộc sống. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong 3 năm học (từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023), tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, chuyển việc lên đến hơn 40.000 người, bình quân mỗi năm hơn 13.000 người.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Do áp lực công việc lớn, chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng một số giáo viên xin nghỉ việc. Trong năm 2023, tại tỉnh Lạng Sơn có 103 giáo viên trong biên chế xin nghỉ việc. Một số giáo viên sau khi trúng tuyển đến ký hợp đồng làm việc, thấy lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn nên đã không ký nữa”.

Trước thực trạng thiếu giáo viên ở hầu hết các địa phương, trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT, năm học 2022-2023, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng không dễ dàng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Năm học 2022-2023, tỉnh được giao 526 biên chế nhưng chỉ tuyển được 375 người vì không có nguồn tuyển. Đặc biệt là ở các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ không đủ thí sinh dự tuyển”. Cũng giống như tỉnh Cao Bằng, năm học 2022-2023, tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt tuyển dụng 944 giáo viên, nhưng chỉ tuyển được 566 chỉ tiêu, đặc biệt môn Tin học có 10 chỉ tiêu nhưng không nhận được hồ sơ nào.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - ĐỨC THỊNH - HỒNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.