Thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp

Theo nhiều thầy giáo, cô giáo, mặc dù ngôi trường họ đang dạy thiếu giáo viên, nhưng địa phương lại không được giao chỉ tiêu tuyển dụng hoặc không tuyển dụng được. Điều này dẫn đến nghịch lý thiếu giáo viên, trong khi sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp.

Trường hợp của vợ chồng chị Đinh Thị Huyền, anh Nguyễn Văn Đức ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn là một điển hình cho việc này. Năm 2013, chị Huyền và anh Đức tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Địa lý (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và có nguyện vọng về địa phương công tác, sinh sống. Tuy nhiên, đến nay hai vợ chồng vẫn chưa có cơ hội đi dạy tại bất kỳ trường học nào trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. “Để xin được việc làm ổn định, đúng ngành học đối với sinh viên sư phạm chưa bao giờ là dễ dàng, bởi vì “cung” luôn lớn hơn “cầu”.

Một đến hai năm đầu ra trường, có rất ít cử nhân sư phạm xin được việc làm đúng ngành học, dù chỉ là hợp đồng ngắn hạn. Vừa rồi, chúng tôi tổ chức họp khóa sau 10 năm ra trường, chỉ khoảng 60% làm đúng ngành nghề”, chị Huyền chia sẻ.

leftcenterrightdel
Một tiết học của sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). 

Thực tế, nhiều địa phương dù thiếu giáo viên nhưng xin dạy hợp đồng thời vụ đã khó chứ chưa nói đến được hợp đồng dài hạn. Mặt khác, để vượt qua những kỳ thi viên chức, công chức cũng không hề dễ dàng, thậm chí có dư luận cho rằng, để vào được viên chức cũng phải có “quan hệ đặc biệt” hoặc phải mất chi phí không chính thức. Buồn thay, dù học sư phạm 4 năm, không ít người đã phải cất tấm bằng trong tủ và xin làm công nhân.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được ban hành cũng được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo theo nhu cầu. Thế nhưng, sau hơn 3 năm được ban hành, triển khai đã bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc về cơ chế tài chính, từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên cũng như những lo ngại xoay quanh nhiệm vụ theo dõi, truy thu bồi hoàn kinh phí. 

Theo sinh viên NVĐ (chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hiện nay sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền học và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất để đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm phải bắt đầu từ những nút thắt đầu tiên là sinh viên ra trường phải có việc làm, các tiêu chí hỗ trợ khác chỉ là thứ yếu.

Gỡ khó Nghị định số 116/2020/NĐ-CP

 Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên của các trường do Bộ căn cứ nhu cầu của các địa phương về nhân lực giáo viên để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh. Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 31-1 hằng năm.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo để thực hiện tuyển sinh. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thể giúp ngành sư phạm thoát khỏi nghịch lý thừa-thiếu cục bộ. Thực tế, có địa phương đang thiếu giáo viên, người học có nhu cầu được đào tạo nhưng địa phương vẫn báo không có nhu cầu nên không đặt hàng đào tạo.

Nguyên nhân là vì sinh viên sư phạm do địa phương đặt hàng đào tạo thì địa phương sẽ phải chi trả tiền học phí và chi phí sinh hoạt là 3,63 triệu đồng/người/tháng. Nghị định này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, không có cơ chế ràng buộc nào giữa các sinh viên này với địa phương về bồi hoàn kinh phí.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Khó khăn ở chỗ địa phương bỏ kinh phí cho đi học nhưng sinh viên có thể không quay về mà dồn đến các thành phố lớn làm việc. Như vậy, một số địa phương không cần đặt hàng vẫn được hưởng lợi. Ngược lại, một số tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng khó khăn bỏ kinh phí đặt hàng lại không có nguồn tuyển. Ngoài ra, kể cả khi quay về, các sinh viên này vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.

Nghịch lý này khiến các địa phương dè dặt đặt hàng. Khi địa phương đặt hàng ít, Bộ GD-ĐT lại căn cứ nhu cầu của địa phương để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao 2.500 chỉ tiêu, giảm khoảng 500 chỉ tiêu so với những năm trước. Nếu các năm sau tiếp tục giảm thì sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên sư phạm hiện nay”.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến tháng 11-2022, gần 40 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong khi đó, giai đoạn 2022-2026, ngành giáo dục được giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Ngoài lý do này, đại diện một số trường cho rằng, việc giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên còn liên quan đến việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Như tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các ngành được giao ít chỉ tiêu chủ yếu là Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý-những ngành mà ở bậc THCS, giáo viên phải dạy liên môn theo chương trình mới thay vì đơn môn như trước.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của nghịch lý giáo viên còn thiếu nhiều nhưng chỉ tiêu được giao lại giảm bắt nguồn từ chính sách chưa rõ việc bồi hoàn kinh phí khi sinh viên ra trường không có việc làm; vướng mắc bồi hoàn kinh phí khi sinh viên bỏ học, xin chuyển trường; địa phương thiếu giáo viên tại cấp huyện nhưng không có sinh viên trúng tuyển... Chính những vướng mắc này khiến chúng tôi không mặn mà với đặt hàng đào tạo giáo viên”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - ĐỨC THỊNH - HỒNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.