Hội thi đã góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân với hàng nghìn giải pháp được áp dụng rộng rãi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

leftcenterrightdel
TSKH Phan Xuân Dũng. 

Phóng viên (PV): Việc tổ chức thành công 17 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TSKH Phan Xuân Dũng: Việc tổ chức thành công 17 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc là thành công rất đáng ghi nhận trong tiến trình xây dựng, phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội), góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp hội và Quỹ VIFOTEC cũng như các liên hiệp hội địa phương.

Liên hiệp hội và Quỹ VIFOTEC đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của các nhà khoa học ở Việt Nam. Hội thi đã từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu của Liên hiệp hội và Quỹ VIFOTEC, góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học của đội ngũ trí thức, nhân dân lao động trong cả nước, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

leftcenterrightdel

 Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đoạt 3 giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17. Ảnh: DUY QUANG

PV: Sau 17 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc có bao nhiêu giải pháp dự thi và bao nhiêu giải pháp đoạt giải? Ông đánh giá về chất lượng cũng như tính ứng dụng của các giải pháp này như thế nào?

TSKH Phan Xuân Dũng: Sau 17 lần tổ chức hội thi đã có hơn 8.000 giải pháp tham gia và 747 giải pháp đoạt giải. Những năm đầu chỉ có 35 tỉnh, thành phố tổ chức hội thi, đến nay đã có 56 tỉnh, thành phố tổ chức hội thi. Việc triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật ở cấp địa phương và toàn quốc là một bước tiến đột phá của phong trào sáng tạo, làm cho sáng tạo khoa học và công nghệ trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các viện nghiên cứu, trường học, doanh nghiệp và trong nhân dân.

PV: Ông đánh giá các giải pháp tham dự hội thi của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trong những năm qua như thế nào?

TSKH Phan Xuân Dũng: Nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng luôn là đơn vị thường xuyên có giải pháp tham gia và đoạt giải cao. Các giải pháp tham gia có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng để xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đặc biệt, trong 6 giải pháp đoạt giải nhất của hội thi năm nay có tới 3 giải pháp của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, đó là: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng bộ binh” của nhóm tác giả Học viện Kỹ thuật Quân sự; Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế các bộ phận phục vụ sản xuất xe kéo giỏ hàng có dùng robot hàng tự động, sơn tự động” của nhóm tác giả Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Giải pháp “Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển ven các đảo không tiếp cận được thuộc quần đảo Trường Sa trên cơ sở ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS” của nhóm tác giả Học viện Kỹ thuật Quân sự.

PV: Để phát huy tiềm năng, vị thế của Quân đội trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao tiềm lực quốc phòng, theo ông cần có giải pháp gì trong thời gian tới?

TSKH Phan Xuân Dũng: Thời gian tới, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác khoa học quân sự; đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo khoa học và công nghệ, khoa học quân sự. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác khoa học và công nghệ, trong đó nhấn mạnh vai trò phát triển khoa học quân sự là một trong những động lực, yêu cầu tất yếu để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại trong những năm tới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của Trung ương, địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để nâng cao chất lượng công tác khoa học quân sự.

PV: Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc có phương hướng như thế nào để phát huy được những thành công của 17 lần tổ chức, thưa ông?

TSKH Phan Xuân Dũng: Ban tổ chức sẽ tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của hội thi, tiếp tục hướng trọng tâm vào những công trình thuộc các lĩnh vực khoa học-công nghệ có tính ứng dụng cao; một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Qua đó, để khoa học-công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đồng thời các giải thưởng thực sự gắn với những thành tích, kết quả, thành quả của sản phẩm khoa học-công nghệ.

Quỹ VIFOTEC sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài để phong trào có được những thành tựu khoa học và công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Quỹ sẽ hỗ trợ các nhà khoa học quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, hợp tác với các nước có nền khoa học-công nghệ phát triển. Đồng thời, Quỹ sẽ tổ chức ghi nhận, vinh danh những cống hiến của các nhà khoa học, các nhà sáng chế có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.