Đi ra nước ngoài cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những điều này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. 

Muốn đi ra nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp phải đi trước

Chia sẻ về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Thời kỳ đầu đi ra nước ngoài với muôn vàn khó khăn, ông Trương Gia Bình nói và cho biết: 23 năm trước, chúng tôi có ước mơ vươn ra biển lớn để ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tháng 1-2000, FPT mở 2 văn phòng đầu tiên tại nước ngoài ở Bangalore và Silicon Valley, thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Mỹ. Tuy vậy, trong 2 năm đầu, FPT không ký được một hợp đồng nào, trong khi ngân sách dần cạn kiệt. Thời điểm đó, nhiều người FPT đã định dừng lại và buông ước mơ chinh phục thị trường nước ngoại. Thế nhưng sau tất cả, FPT vẫn làm đến cùng với niềm tin Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được. 

leftcenterrightdel
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ về về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu.

Về câu chuyện thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, Chủ tịch FPT cho biết, người Nhật Bản từng từ chối với lý do họ không nói tiếng Anh. Đó là thời điểm tôi nhận ra rằng, công ty sẽ tiến xa hơn nếu có nhân sự biết tiếng Nhật Bản. Việc cho nhân viên học tiếng Nhật Bản sau đó đã mở ra cho FPT rất nhiều cơ hội tại thị trường này.  

Theo ông Trương Gia Bình, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là năng suất thấp, tăng trưởng nhanh những năm đầu nhưng chậm dần về sau khi doanh số càng to. Muốn tăng trưởng, các công ty buộc phải làm việc gì đó mới hơn.

Theo ông Trương Gia Bình, muốn đi ra nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp phải đi trước, mở cửa thị trường. Các thị trường không nói tiếng Anh sẽ là những nơi ít cạnh tranh hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số mới, tránh đụng độ với các doanh nghiệp công nghệ số lớn của các cường quốc công nghệ. Gần đây, FPT đã đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Đây là một thế giới IT mới, mở ra cơ hội không giới hạn với sự lên ngôi của ô tô điện, xe tự lái.

Viettel chinh phục 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD như nào?

Trong khi đó, chia sẻ về chặng đường gần 20 năm đi ra thị trường nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề cập đến những thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải lường đến như khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị, pháp luật, thậm chí sự bất ổn chính trị tại một số thị trường tiềm năng như ở thị trường Myanmar, Peru...

Theo ông Tào Đức Thắng, Viettel đi ra nước ngoài từ rất sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006. Ngay sau khi tham gia vào thị trường viễn thông, tập đoàn đã xác định Việt Nam tuy có gần 100 triệu dân nhưng để phát triển bền vững lâu dài, cần thị trường phải lớn hơn nữa. 

“Doanh thu bình quân của Viettel Global là 25%, với 5 thị trường giữ vị trí số 1 về thị phần. Có thị trường trong vòng 1 năm đã vươn lên vị trí số 1 (như ở Burundi). Đây là bàn đạp để chúng tôi đưa các thiết bị số của Việt Nam ra thế giới”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.

leftcenterrightdel
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ về chặng đường gần 20 năm đi ra thị trường nước ngoài của Viettel.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, việc rủi ro còn đến từ sự biến động của tỷ giá ngoại tệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt khi ra thế giới thường thiếu bạn đồng hành do không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng. Tại nhiều quốc gia, Việt Nam chưa có hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần.

“Năm 2006, Viettel mới là doanh nghiệp mới trên thị trường viễn thông Việt Nam và vẫn còn vô danh với thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu của chúng tôi đạt 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và số 1 Đông Nam Á về viễn thông. Việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài cũng là bài học quan trọng để chúng tôi tự tin hơn, góp phần thúc đẩy sự đổi mới tại Việt Nam”, ông Tào Đức Thắng nói.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, để ra biển lớn, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải có khát vọng đủ lớn, đủ tự tin, tự hào. Nếu không có khát vọng, sẽ khó thoát khỏi vùng an toàn bởi thị trường nội địa vẫn ổn định, trong khi đi ra nước ngoài nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, phải có sự tự tin rằng người Việt Nam có thể làm được.

Người đứng đầu Tập đoàn Viettel khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội.

Việc đi cùng nhau ra thị trường lớn sẽ dễ thành công hơn

Kinh nghiệm của Viettel là chọn người đứng đầu thị trường vừa có chuyên môn, vừa tháo vát, bản lĩnh. Không chỉ vậy, khi “mang chuông đi đánh xứ người”, phải phát huy vai trò làm chủ của người bản địa để gắn lợi ích công ty với đất nước, người dân địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nên thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế xã hội để may đo sản phẩm phù hợp với người dùng sở tại.

Ông Tào Đức Thắng cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên đi ra nước ngoài đơn lẻ. Việc đi cùng nhau ra thị trường lớn sẽ tạo được sức mạnh cộng hưởng và dễ thành công hơn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. 

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel hiện nay hầu như đều trải qua thời gian làm việc tại thị trường nước ngoài. Đây là môi trường đào tạo thực tiễn rất quan trọng cả về chuyên môn, trui rèn bản lĩnh, xây dựng các mối quan hệ. Học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh, từ đó trưởng thành, quay về thị trường trong nước trở thành những lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn, đồng thời cũng là những người thúc đẩy đổi mới sáng tạo của tập đoàn.

Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu. Việt Nam có khoảng 1 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin, trong đó khoảng 50% là lập trình viên, kỹ sư ngành phần mềm. Nguồn nhân lực dồi dào là điều kiện cần để có nội lực phát triển. Thêm vào đó, chi phí dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/4 so với chi phí tại nhiều quốc gia phát triển. Cùng với lợi thế về hạ tầng băng thông rộng đã phủ sóng đến 99,73% toàn quốc, Việt Nam có nhiều lợi thế để đưa công nghệ Việt, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam xuất ngoại.

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng việc chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, song Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi lẽ, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.

VĂN PHONG