Trong đó, 5/19 đội tuyển bảng trung học và tiểu học đã xuất sắc giành giải thưởng, cùng 4 đội chơi lọt tốp 20 tại các bảng đấu. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Việt Hùng, nhà đồng sáng lập STEAM for Vietnam về giải đấu này.

Phóng viên (PV): Có thể nói, VEX WORLDS 2023 cùng hơn 30.000 học sinh đến từ hơn 50 quốc gia và 50 tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ là một giải đấu có quy mô khá lớn trên thế giới. Ông có thể chia sẻ ý tưởng ban đầu của STEAM for Vietnam, Trung tâm Hoa Kỳ (trực thuộc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) và Đại học Bách khoa Hà Nội khi tổ chức sân chơi này?

leftcenterrightdel
 TS Trần Việt Hùng.

TS Trần Việt Hùng: Ai cũng biết giáo dục STEAM (viết tắt của các từ: Science-khoa học, technology-công nghệ, engineering-kỹ thuật, arts-nghệ thuật, math-toán học) quan trọng như thế nào bởi nó không chỉ có ích cho người làm những công việc liên quan đến công nghệ mà còn giúp rèn luyện tư duy rất hiệu quả, khai mở được các tiềm năng của học sinh. Bill Gates, Elon Musk, Mark Zuckerberg... đều được làm quen với công nghệ, máy tính từ rất sớm. Như vậy mới đủ độ sâu, không sợ điều gì và dám mơ lớn.

Khi hướng dẫn cho một số học sinh Việt Nam là con của những người quen, chúng tôi nhận thấy học sinh của chúng ta rất giỏi. Làm thế nào để giúp ngày càng nhiều học sinh tìm được những con đường đi ngắn, hiệu quả hơn khi tiếp cận công nghệ? STEAM for Vietnam là tổ chức phi lợi nhuận ra đời với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM tại Việt Nam thông qua việc chia sẻ kiến thức. Hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học của chúng tôi đã âm thầm đóng góp và tạo kết quả với mong muốn cống hiến cho sự phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại nhất, trang bị nhiều kiến thức nhất và dẫn đường để họ đi được xa nhất.

PV: Robotics chỉ là một trong rất nhiều hoạt động STEAM. Vậy tại sao STEAM for Vietnam lại chọn một cuộc thi robot cho các hoạt động hỗ trợ của mình?

TS Trần Việt Hùng: STEAM for Vietnam có 5 hoạt động chính, gồm: Dạy lập trình, hội họa, kỹ năng mềm; robotics; mở thư viện công nghệ trên cả nước; đào tạo giáo viên với đủ tài liệu, giáo án, tài chính; xây dựng mạng lưới tình nguyện viên. Robotics là công cụ hữu hiệu để giảng dạy và học STEAM vì nó khá gần với đời thực. Muốn robot hoạt động cần phải vận dụng nhiều kiến thức một lúc. Thiết kế robot còn rèn cho học sinh tư duy kỹ thuật, học được nhiều môn cùng lúc và cũng rất cuốn hút. Ngoài ra, khi lựa chọn loại robot VEX IQ, chúng tôi mong muốn học sinh Việt Nam được học như học sinh Mỹ. Hơn cả là một môn học, chúng tôi còn đặt kỳ vọng học sinh của chúng ta được trải nghiệm như học sinh các nước tiên tiến, để học sinh không vướng bận vào suy nghĩ nước mình nghèo phải đi sau. Chúng ta phải luôn suy nghĩ mình cũng như họ vì nếu tự ti thì sẽ không đi xa được.

leftcenterrightdel
Đội Việt Nam tại VEX WORLDS 2023. Ảnh: NGUYỄN HẰNG 

Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 tổ chức tại Việt Nam đã rất thành công. Giải đấu có 162 đội chơi đăng ký tham gia với hơn 700 thí sinh đến từ 169 trường tiểu học, THCS của 33 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại đấu trường toàn cầu, 19 đội đại diện Việt Nam cũng bất ngờ mang về 5 giải. Mùa đầu tiên mà được như vậy là rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy học sinh của Việt Nam rất có tiềm năng, có thể đi xa hơn nhiều những thứ mà trước đó chúng ta nhìn nhận. Đặc biệt, học sinh ở vùng miền nào trên đất nước ta cũng như vậy chứ không chỉ một vài địa điểm cụ thể. 3 cậu học trò người Tày cùng cô giáo của đội Cao Bằng nỗ lực vượt khó để đến với sân chơi lớn đã trở thành nguồn cảm hứng cho học sinh toàn cầu. Họ đã rất cố gắng để giành được vé đi Mỹ rồi tới gần phút cuối vẫn không biết có thể lo đủ tiền mua vé máy bay hay không, nhưng họ đã không đầu hàng và tới Mỹ hoàn thành phần thi đấu, cải thiện thứ bậc từ 1.187 lên hạng 183 thế giới.

Giải đấu này cũng cho chúng ta thấy học sinh Việt Nam đã rất tự tin khi trao đổi bằng tiếng Anh với các đội bạn khi tham gia thi đấu (theo thể thức hai đội chơi cùng hợp tác giành điểm). Đây là tín hiệu cực tốt cho tương lai vì lâu nay người Việt Nam có nhược điểm khi ra nước ngoài thường không tự tin. Các đội tuyển Việt Nam đã gây ngạc nhiên cho bạn bè quốc tế không chỉ ở bản lĩnh thi đấu, mà còn tự tin giao lưu, giới thiệu văn hóa đất nước tới bạn bè quốc tế.

PVNgoài cơ hội thi đấu cọ xát, khi đến Mỹ, học sinh Việt Nam còn thu được gì khác nữa không, thưa ông?

TS Trần Việt Hùng: Nếu như đội thi đấu robot của nhiều nước khác chỉ sang thi đấu robot rồi về thì các đội của Việt Nam được đi thăm nhiều địa điểm mang tính biểu tượng của thế giới công nghệ như trụ sở NASA, Google, Đại học Stanford... Học sinh của ta có cơ hội được trải nghiệm và mở mang tầm mắt. Được đặt chân tới, sờ vào và cảm nhận mới thấy bầu trời thật to lớn và cơ hội nhiều đến thế nào. Điều này không chỉ cho trẻ mà cả các bố mẹ, thầy cô thấy được hy vọng để có chiến lược và những hành động tốt hơn cho trẻ.

PV: Từ lần đầu tổ chức này, STEAM for Vietnam rút ra những kinh nghiệm gì cho tương lai?

TS Trần Việt Hùng: Tôi cho rằng kinh nghiệm số 1 là những thầy cô tận tâm. Đội Cao Bằng có cô giáo Đỗ Thị Hương Trà, đội Gia Lai có thầy Đỗ Bách Khoa... Họ đều muốn học sinh có nhiều cơ hội và sẵn sàng làm tất cả để học sinh có thêm cơ hội. Dường như họ luôn đẩy học trò đến giới hạn.

Để ngày càng có nhiều học sinh được tiếp cận giáo dục STEAM, mùa hè này, STEAM for Vietnam sẽ thúc đẩy chương trình đào tạo giáo viên bằng việc cung cấp cho tất cả giáo viên đăng ký tại đường link: https://www.steamforvietnam.org đều được đào tạo theo chương trình hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Giáo viên tham gia chương trình cũng như trở thành thành viên trong gia đình, được hỗ trợ tốt nhất có thể, sao cho từng bước nâng cao chất lượng, để cả thầy và trò đều cùng được hưởng lợi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 THƯ BÌNH (thực hiện)