Nghịch lý là, có những ngành nghề xã hội đang rất cần lại rơi vào cảnh đìu hiu, thậm chí phải đóng cửa do không tuyển sinh được, hoặc chuyển đổi đào tạo theo hướng liên ngành hay ra đời ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu người học.

Người học thực tế hơn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 5 nhóm ngành tỷ lệ tuyển sinh thấp, đó lại là các ngành truyền thống mà xã hội đang cần nhân lực chất lượng như: Khoa học tự nhiên, nông-lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường, chỉ tuyển sinh được từ 41% đến 65% chỉ tiêu.

Thực tế, trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, điều tiết vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi, bảo đảm điện cung cấp an toàn cho người dân, dự báo ngư trường cho ngư dân ven biển, kiến thức về thủy văn hay ngành tài nguyên và môi trường nước đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thiếu đi những chuyên gia để dự báo này, tổn thất sẽ rất nặng nề. Nhưng vài năm gần đây, ngành khí tượng, tài nguyên và môi trường nước, hải dương học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đều không tuyển được sinh viên. Đây cũng là tình trạng chung trong ngành học khí tượng thủy văn ở một số trường.

 Một giờ lên lớp của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải.

Một ngành khác, dù cơ hội việc làm cao nhưng cũng rơi vào cảnh chỉ tuyển sinh đạt khoảng 60-70% chỉ tiêu, đó là ngành y tế công cộng. Năm 2020 đã có 4 trường đại học không tiếp tục tuyển sinh ngành này vì lý do những năm trước không tuyển sinh được. PGS, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, công tác phòng dịch-một phần trong y tế công cộng-đóng vai trò rất quan trọng. Cả nước hiện có 63 CDC (trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 500 huyện có trung tâm y tế; hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng. Tất cả đang rất cần nhân lực được đào tạo bài bản để có thể cung cấp dịch vụ y tế công cộng hoàn hảo, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này tuyển sinh khá khó khăn.

Lý giải về điều này, PGS, TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, cho rằng: Hiện cách thi và tuyển khác nhau, thí sinh có rất nhiều nguyện vọng. Các em không bị bắt buộc, gò bó học ngành nào mà lựa chọn theo sở thích. Những ngành như: Khoa học môi trường, địa chất, tài nguyên đất... khi ra trường thường làm việc trong môi trường rất vất vả, phần lớn ở thực địa, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chỉ còn một số ít người đam mê giảng dạy, nghiên cứu mới theo học những ngành này. Với người đi làm để có thu nhập thì rõ ràng làm việc ở các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt hơn.

 Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành.

Bên cạnh đó, lý do khiến thí sinh chưa mặn mà với những ngành nghề này là bởi với một số ngành khoa học cơ bản thì cả “đầu vào” và “đầu ra” đều khó. Dù thí sinh được tuyển chọn vào những ngành này đều rất giỏi nhưng khi vào học, các em luôn phải nỗ lực mới có thể theo học và ra trường được. Mặt khác, xã hội và cả thí sinh đều hiểu về ngành học rất sơ sài, chưa thấy được giá trị của ngành với xã hội.

Cần quan tâm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Với những ngành thiếu nguồn tuyển nhưng quan trọng với sự phát triển của xã hội, các trường cũng đã khéo kết hợp, mở ra những ngành mới trên nền tảng các ngành khoa học cơ bản. Điều này phù hợp với xu thế thực hiện quyền tự chủ của hệ thống giáo dục đại học để trường hoạt động một cách có hiệu quả và đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN, cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất để tuyển sinh được là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Với những ngành triển vọng nhưng khó xin việc hoặc cơ hội việc làm không tốt thì rất khó thu hút thí sinh. Do đó đòi hỏi sự chuyển mình rất mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục đại học. Vốn có ưu thế về khoa học cơ bản nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, ĐHQGHN đã có sự chuyển đổi quan trọng, trở thành đại học đa ngành và chú trọng phát triển những ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ.

 Thí sinh tìm hiểu thông tin ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2021.

Bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng, giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành khoa học cơ bản, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng mở thêm ngành đào tạo mới, mang tính liên ngành, có tính ứng dụng hơn, hấp dẫn thí sinh như: Khoa học dữ liệu dựa trên nền tảng Khoa Toán-Tin, Khoa Kỹ thuật điện tử và Tin học trên nền tảng Khoa Vật lý... PGS, TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết: “Những thay đổi này đã giúp trường có được nguồn tuyển tốt hơn”.

Năm 2020, một trong những mã ngành mới của Trường Đại học Giao thông vận tải là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, việc mở ngành đào tạo này dựa trên ngành kinh tế vận tải du lịch-vốn là thế mạnh của nhà trường, đã được đào tạo hơn 20 năm. Tuy là ngành học mới với điểm đầu vào cao nhưng theo đánh giá kết quả của mùa tuyển sinh năm 2020, số thí sinh đăng ký vào ngành học này khá đông, vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Trước băn khoăn của phóng viên về chất lượng đào tạo khi nhiều cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành mới không phải là thế mạnh của mình, PGS, TS Nguyễn Thanh Chương nêu quan điểm: “Hiện nay, các trường được mở ngành đào tạo mới khi đủ điều kiện tự chủ. Trước khi mở mã ngành mới, yêu cầu đặt ra là các ngành mới phải đáp ứng nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của nhà trường. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào tên ngành, tên trường thì không thể đánh giá khách quan về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, khi mở mã ngành mới, các trường phải đề cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm với chương trình đào tạo để xây dựng những chương trình đáp ứng chuẩn đầu ra, yêu cầu của xã hội. Làm được điều này, sinh viên ra trường mới bảo đảm có việc làm”.

Để thí sinh có những lựa chọn chính xác, nhiều trường đã tổ chức ngày hướng nghiệp để các em được tiếp cận thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề trong tương lai, những thay đổi về cơ cấu ngành nghề... Theo PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công tác định hướng, tư vấn ngành nghề cho học sinh THCS, THPT có vai trò rất quan trọng. Khi tham gia vào công tác hướng nghiệp cùng với chuyên gia, các em không chỉ thấy được sở thích, năng lực của mình mà còn nhận diện được nhu cầu nhân lực, nhóm ngành nghề mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ hiện nay.

Có thể thấy, bức tranh ngành nghề đang ngày một đa dạng hơn, do đó, thí sinh cần nắm bắt được thông tin về ngành mới, những xu hướng mới cũng như nhu cầu thực sự của xã hội để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất, tránh lựa chọn theo trào lưu. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 nhóm ngành rất "khát" nhân lực thì tỷ lệ nhập học năm 2019 như sau: Khoa học tự nhiên: 34,58%; nông-lâm nghiệp và thủy sản: 32,60%; dịch vụ xã hội: 45,71%; khoa học sự sống: 50,04%; môi trường và bảo vệ môi trường: 45,28%.

Bài và ảnh: HÀ HOÀI