Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực

Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Điện Biên Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 56 nhiệm vụ KH-CN, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp quốc gia (2 nhiệm vụ thuộc Chương trình cấp thiết địa phương do Trung ương quản lý, 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi). Thông qua các nhiệm vụ KH-CN đã góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết, khó khăn của tỉnh, nhiều tiến bộ KH-CN đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch... Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ KH-CN của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Điển hình như tại thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà), Hợp tác xã Nam Dương phối hợp với các hộ dân chuyển đổi gần 1,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Để nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất mới, Hợp tác xã Nam Dương liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc bí theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng, an toàn. Toàn bộ luống bí được phủ kín ni lông để hạn chế thoát hơi nước, cỏ dại, sâu bệnh hại; thay thế giàn làm từ tre, gỗ bằng giàn lưới cho dây bí leo; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để giữ độ ẩm cho đất, bảo đảm dinh dưỡng cho quả, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Từ hiệu quả đem lại, mô hình trồng bí xanh công nghệ cao đã được đầu tư nhân rộng tại các xã: Thanh Hưng, Thanh An (huyện Điện Biên). Ngoài ra, huyện Mường Chà cũng đang vận động người dân, các tổ chức tiếp tục liên kết trồng khoai tây, cây dược liệu và rau xanh tại các xã: Sa Lông, Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng theo hướng công nghệ cao.

leftcenterrightdel
Kiểm tra chất lượng bí xanh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh. Ảnh: VINH DUY 

 

Về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 71 nhãn hiệu hàng hóa, 2 giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký, trong đó có 17 nhãn hiệu, 1 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ. Tỉnh Điện Biên cũng đang triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư kinh phí, nhân lực cho khoa học và công nghệ

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh Điện Biên trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, những kết quả đạt được của Điện Biên tạo nền tảng, tiền đề để đưa Điện Biên phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Nhằm thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng Điện Biên cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo; bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực và củng cố tổ chức bộ máy cho ngành KH-CN, góp phần đưa KH-CN trở thành một trong các trụ cột quan trọng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Điện Biên cũng cần có các cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH-CN, đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như trong trồng trọt, chăn nuôi, dược liệu, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu hệ thống cơ cấu cây trồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật KH-CN. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển KH-CN; khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn đề nghị Bộ KH-CN tăng nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN cho tỉnh để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động lĩnh vực KH-CN. Hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao KH-CN vào sản xuất sản phẩm của tỉnh thông qua các chương trình KH-CN do Bộ KH-CN quản lý. Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH-CN sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu của ngành; hỗ trợ nhà màng công nghệ cao trong nông nghiệp và tăng cường trang thiết bị phòng thí nghiệm công nghệ sinh học cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH-CN của tỉnh.

LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.