Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương để làm rõ hơn về vấn đề này.

GS, TS Đinh Xuân Dũng.

Phóng viên (PV): Đánh giá tổng quan của ông về Dự thảo về Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn lần này như thế nào?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Đây là một vấn đề rất khó, cần nhiều điều kiện, thời gian, sự trao đổi sâu rộng, sự am hiểu nhiều mặt... mới có thể đi tới kết quả cụ thể và đạt được sự đồng thuận của đa số, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục Việt Nam. Từ tháng 9 năm 2017 đến nay tôi đã đọc 3 dự thảo về chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn. Điều đó minh chứng cho cái khó nói trên và thấy được nỗ lực, trăn trở của bộ phận dự thảo.

Dự thảo lần này rất công phu, song cảm nhận của tôi là cần giản dị, dễ nắm bắt hơn, thực tiễn và rút gọn hơn. Có những nội dung rất chung chung, gần giống nhau khi viết cho các cấp khác nhau (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Chương trình cũng cần cân nhắc lại mức độ yêu cầu, phải chăng là quá cao. Ví dụ đối với cấp tiểu học chỉ nên đề ra mục tiêu góp phần gìn giữ, chứ lứa tuổi này yêu cầu phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam hoặc tạo ý tưởng mới đồng thời biết liên hệ và giải quyết tình huống gần gũi, tương tự trong cuộc sống là điều không thể làm được hoặc ngay đến cả người trưởng thành, với đầy đủ kiến thức để viết các kiểu loại văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, vận dụng đúng quy cách, quy trình cũng là quá khó chứ đừng nói gì đến cấp trung học cơ sở.

PV: Nhiều nhà khoa học băn khoăn về độ mở của chương trình khi chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, tuy nhiên lại “mở” quá rộng cho những tác phẩm tự chọn. Đó là người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích của mình. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Có nhiều điểm cần bàn kỹ thêm, đó là không nên gọi là “các văn bản bắt buộc” và các “văn bản gợi ý”. Học văn mà những tác phẩm lớn gọi là “bắt buộc” phải học thì mất ý nghĩa của nó. Do đó, tôi đề nghị đổi tên thành hai phần: Phần cứng và Phần mềm (hay gọi là phần ngân hàng các văn bản để lựa chọn các bộ sách giáo khoa).

Theo tôi, cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm “bắt buộc” là điều khó chấp nhận. Với hàng vạn tác phẩm của lịch sử văn học Việt Nam, tại sao chỉ chọn 6 văn bản như trong dự thảo. Các văn bản gợi ý cho mỗi lớp học khoảng từ 16-25 văn bản. Tôi kiến nghị phần cứng cần chọn cho từng lớp học, mỗi lớp 5-6 văn bản (tác phẩm), chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 chương trình văn học mỗi lớp. Như vậy sau 12 năm học, các em được vốn hiểu biết khoảng 60 tác phẩm xuất sắc của hơn 10 thế kỷ văn học. So với hàng ngàn tác phẩm hay, tốt thì tỷ lệ đó còn rất khiêm tốn.

Trong dự thảo có phần văn bản gợi ý lại mở quá rộng, hình như không có giới hạn bảo đảm “cơ sở pháp lý” mà dự thảo đã xác định. Với những từ như “không bắt buộc, mà chỉ là những ví dụ minh họa...”, “tự tìm các văn bản tương tự” (đã là tác phẩm văn học xuất sắc thì làm gì có văn bản tương tự) và hai đối tượng được chọn tác phẩm khác là “tác giả sách giáo khoa” và “giáo viên ngữ văn” thì phần lớn các sách giáo khoa sẽ là tự do lựa chọn. Tôi thấy rằng, theo dự thảo 6 tác phẩm bắt buộc chỉ được dạy và học ở 5 lớp (lớp 8 đến lớp 12), nhưng trùng 1 lớp (có 2 tác phẩm bắt buộc) nên thực ra chỉ còn dạy ở 4 lớp. Vậy từ lớp 1 đến lớp 7 các tác giả viết SGK và các giáo viên hoàn toàn có thể tự do lựa chọn trong phần gợi ý. Vậy quan điểm chương trình SGK là “cơ sở pháp lý” trong dự thảo không còn vị trí thực chất của nó.

Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó, vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm trên được tất cả các bộ SGK lựa chọn. Việc lựa chọn những tác phẩm gợi ý cũng xuất hiện những bất cập như: Tại sao văn học dân gian Việt Nam (với nhiều thể loại) mà gợi ý đến 5 truyện cười, chỉ có 2-3 truyện cổ tích, thần thoại. Tại sao chỉ có 1-2 tác phẩm văn học các dân tộc thiểu số mà có đến hàng chục tác phẩm từ dân gian đến văn học viết của nước ngoài? Các tác giả văn học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, có ai không nằm trong văn bản gợi ý?

Ảnh minh họa. Ảnh: Thu Hà

PV: Chương trình ngữ văn mới theo khuynh hướng mở, ông có nghĩ chúng ta cần có tư duy mở, cách nghĩ khác so với cách làm SGK truyền thống, số lượng văn bản quy định ít hơn, để xây dựng những bộ SGK đa dạng?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Tôi dựa vào văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là chương trình giáo dục phổ thông phải đảm tính thống nhất, sự linh hoạt mềm dẻo và quan điểm của Ban soạn thảo làm cơ sở pháp lý, chứ không theo một tư duy cứng nhắc.

Việc biên soạn SGK dự thảo lần này đã không thực hiện được việc đảm bảo cơ sở pháp lý và sự mở của SGK. Mong muốn của tôi là chương trình biết kết hợp một cách hợp lý, khoa học 2 mặt đó.

PV: Làm thế nào để vừa đạt được độ mở, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý của chương trình, thưa giáo sư?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Tôi nghĩ phần gợi ý văn bản nên chuyển thành phần mềm, xây dựng một ngân hàng văn bản, trong đó số lượng nhiều hơn khoảng 10-15% so với chương trình; tác giả SGK và giáo viên có thể tự chọn khoảng 10% văn bản văn học ngoài “ngân hàng” trên. Điều đó để thực hiện quan điểm “theo hướng mở” mà dự thảo nêu ra, đồng thời đảm bảo cả cơ sở pháp lý của chương trình.

Tiến trình văn học Việt Nam diễn ra hơn 10 thế kỷ. Đó là quá trình phát triển không chỉ về tư duy nghệ thuật mà còn phản ánh sự phát triển của cả nền văn học gắn với lịch sử dân tộc. Tôi nghĩ rằng, từ lớp 1 đến lớp 8-9 có thể lựa chọn văn bản hay, xuất sắc phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, không cần theo tiến trình văn học dân tộc. Song từ lớp 9-10 đến lớp 12 chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học. Qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, các em có thể hiểu sự phát triển của tư duy, tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được lịch sử dân tộc qua văn học.

PV: Thưa ông, việc đánh giá, xếp loại học sinh có gặp khó khăn gì với chương trình mới này?

GS, TS Đinh Xuân Dũng: Trong chương trình dự thảo nói nhiều đến quan điểm, định hướng chung và đưa ra một số dẫn chứng, còn phần về phương pháp chuyển tải và phát huy năng lực các nhân của học sinh chưa được đề cập nhiều.

Chương trình mới có những quy định cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học. Phát huy năng lực là trước hết phải nuôi dưỡng cho được thế giới tinh thần, tâm hồn của học sinh qua môn Văn, từ đó mới có sự cảm nhận và hiểu biết về cuộc sống; có ý thức tự chủ để tự chịu trách nhiệm thông qua học tác phẩm, chứ môn văn học không thể giải quyết tất cả các vấn đề về năng lực của học sinh

Đối với giáo viên, cần phải đào tạo lại, nếu không cẩn thận sẽ quay lại lối giảng cũ. Giáo viên là người tạo thế chủ động trong việc tiếp nhận giá trị văn học, giá trị nội dung, giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ của học sinh và cùng khả năng tự chủ của học sinh biến từ một tiềm năng có thể có, đang có trong học sinh trở thành một khả năng để học sinh đón tiếp một cách tự nguyện và nuôi dưỡng bản lĩnh riêng của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Theo chương trình môn học Ngữ văn sắp được công bố thì SGK mới sẽ chỉ quy định học bắt buộc đối với 6 tác phẩm gồm: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

THU HÀ (thực hiện)