Giai đoạn 2020 - 2025, TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh). Với thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, 8 tỉnh Đông Bắc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm… hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm du lịch các tỉnh Đông Bắc. 

Trong quý I năm 2023, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 8 tỉnh vùng Đông Bắc và TP Hồ Chí Minh trong chương trình liên kết đạt hơn 13 triệu lượt khách (trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của 9 tỉnh, thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng, phục hồi du lịch Việt Nam.

Là đơn vị trưởng nhóm liên kết nhiệm kỳ 2022-2023, ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: “Bắc Kạn và các địa phương trong vùng xác định việc liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài trong phát triển du lịch. Đây là sự kiện thúc đẩy hoạt động liên kết phát triển các chuỗi tour, tuyến du lịch để giới thiệu, quảng bá miền đất, con người, văn hóa truyền thống và các khu, điểm du lịch tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách của 8 tỉnh vùng Đông Bắc. Các địa phương mong muốn được đồng hành với các doanh nghiệp lữ hành du lịch, tiếp cận sâu rộng hơn nữa thị trường khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đến với du lịch vùng Đông Bắc”.

leftcenterrightdel
Các địa phương Đông Bắc giới thiệu sản phẩm du lịch mới tại hội nghị. 

Tại sự kiện, các đơn vị du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã chia sẻ nhiều kiến nghị để thúc đẩy chương trình liên kết du lịch của TP Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Đông Bắc, cũng như thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương. Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nếu các tỉnh Đông Bắc phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi hơn nữa sẽ tạo điều kiện tốt cho du lịch tăng trưởng. Đối với Bắc Kạn, cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sự kiện thể thao như giải chạy quanh hồ Ba Bể, đua thuyền... để kích thích du lịch. Saigontourist cam kết sẽ tích cực hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh Đông Bắc để thúc đẩy phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Chương trình văn nghệ đặc sắc thể hiện bản sắc văn hóa của tỉnh Bắc Kạn tại hội nghị.

Trong khi đó, bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) mong muốn các tỉnh Đông Bắc cần xây dựng được những sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp nơi khác như sản phẩm du lịch chuyên đề, trải nghiệm chiều sâu về văn hóa, du lịch về đêm và phát triển văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch xanh. Đồng quan điểm này, ông Bùi Thế Duy, Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho rằng, các tỉnh Đông Bắc nên tổ chức nhiều sự kiện thể thao gắn với thúc đẩy du lịch. Đồng thời, nên phối hợp tổ chức luân phiên giữa các tỉnh Đông Bắc để giảm chi phí, góp phần kích cầu du lịch.

Dịp này, ban tổ chức đã trao cờ luân lưu đơn vị trưởng nhóm liên kết nhiệm kỳ 2023-2024 cho tỉnh Vĩnh Phúc; công bố tuyến du lịch kết nối TP Cần Thơ đến các tỉnh vùng Đông Bắc qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong dịp này, cũng diễn ra không gian văn hóa - du lịch 8 tỉnh Đông Bắc tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 19.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA