Tại hội nghị các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ du lịch đã giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch.

Cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo... Riêng ĐBSCL được biết đến như một thế giới sông nước với mật độ sông và kênh rạch dày đặc, đồng thời có hệ sinh thái đất ngập nước với sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, sự đa dạng về các loại hình văn hoá... Tất cả tạo nên tiềm năng du lịch to lớn và đa dạng của vùng ĐBSCL.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định và thành phố Cần Thơ ký kết chương trình xúc tiến du lịch giữa các địa phương.

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng về du lịch của các nơi, đại diện lãnh đạo cũng như doanh nghiệp du lịch cho rằng, việc liên kết này sẽ tạo thành thế mạnh nổi trội, đặc sắc, là phần bù của nhau, tạo ra nhu cầu cần liên kết để trao đổi khách giữa các vùng Đông Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL.

Du khách thích thú với trải nghiệm chèo xuồng khi tham quan sông nước tại Đồng Tháp. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết từ khi Chính phủ cho phép mở lại toàn diện hoạt động du lịch (từ ngày 15-3-2022) đến nay, hoạt động du lịch của Việt Nam đã phục hồi rất tích cực, mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. “Với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp vào cuộc, sự hưởng ứng của nhân dân, hoạt động du lịch đã lấy được đà phát triển, đặc biệt du lịch nội địa vượt mức năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Hà Văn Siêu nói.

Tin, ảnh: THÚY AN