Từ nhiều năm nay, trung tâm thương hồ chợ nổi Cái Răng đã trở thành địa điểm giao thương, buôn bán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chợ được hình thành từ tập quán sinh hoạt của người dân sông nước miền Tây với hình thức mua bán hàng hóa, nông sản ngay trên mạn ghe, xuồng neo đậu trên sông. Chợ nổi Cái Răng phát triển tự nhiên, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long và trở thành điểm du lịch tiêu biểu, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến TP Cần Thơ. Với sự độc đáo riêng biệt, năm 2016, Tạp chí du lịch Rough Guide của Vương quốc Anh đã bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Hiện nay, lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại chợ nổi ước tính mỗi ngày khoảng 2.000 tấn, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Sự đa dạng mặt hàng nông sản miệt vườn và lợi thế vùng sông nước đang từng bước được ngành văn hóa, du lịch địa phương khai thác.

leftcenterrightdel
Thương hồ chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp buôn bán trên sông. 
Ông Vương Công Khanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng cho biết, quận Cái Răng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan để quảng bá sản phẩm của địa phương; giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng tầm hình ảnh chợ nổi Cái Răng, thu hút khách du lịch đến đây ngày càng nhiều hơn, vừa tăng thu nhập cho các hộ tiểu thương, vừa phát triển kinh tế địa phương.

Mặc dù chợ nổi Cái Răng đã khá nổi tiếng nhưng vẫn không tránh khỏi sự đơn điệu, khó níu chân du khách tìm đến nhiều lần. Theo anh Trần Nam Ninh, khách du lịch, ngụ tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng ghe, xuồng ở chợ nổi Cái Răng ngày một giảm. Các hoạt động mua bán chủ yếu tự phát, thông thường, theo lối kinh doanh truyền thống kiểu chợ quê chứ ít có sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Du khách đến chợ nổi đa phần ngồi trên ghe xem các hoạt động mua bán nên lượng hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều so với khả năng thực tế của chợ. Ngoài ra, các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ chân, lưu trú của du khách. Đây cũng là ý kiến của nhiều đoàn khách du lịch khi tới Cần Thơ nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng.

Để phát triển thương hiệu chợ nổi Cái Răng thành điểm nhấn du lịch Cần Thơ, ngành du lịch thành phố cần tăng cường khai thác lợi thế vùng sông nước gắn với đặc trưng nông sản miệt vườn. Bà Lê Thị Bích Trâm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, nói: “Việc liên kết các doanh nghiệp với nhà vườn và du khách là mấu chốt để quảng bá, phát triển du lịch miền sông nước. Muốn vậy, thành phố cần tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tiếp cận nhà vườn, phối hợp thực hiện tròn khâu quy trình sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm chất lượng, an toàn từ gốc; đồng thời tăng cường tuyên truyền, xây dựng cho được hình ảnh chợ nổi Cái Răng là môi trường tiêu thụ nông sản sạch, không chỉ thu hút du khách tham quan mà còn củng cố niềm tin của du khách khi sử dụng các mặt hàng do doanh nghiệp, thương hồ chợ nổi cung cấp”.

Tham gia Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng năm nay, đại diện Công ty Du ngoạn Việt mong muốn tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ để khai thác hành trình du lịch miền sông nước gắn với khu du lịch sinh thái, miệt vườn và chợ nổi Cái Răng. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du ngoạn Việt, chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm tới các tour du lịch sông nước để du khách có điều kiện khám phá nét độc đáo ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thành phố cần mở rộng các sản phẩm du lịch đặc thù, tập trung là nhóm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn và nhóm du lịch hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm...; đồng thời, củng cố, xây dựng các điểm du lịch tiêu biểu và có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển du lịch mang đặc thù địa phương".

Đi du lịch miền sông nước, nhu cầu của du khách không chỉ đơn thuần là chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của hệ thống kênh, ngòi chằng chịt và những cánh đồng rộng mênh mông mà còn mong muốn khám phá vẻ đẹp trù phú của những miệt vườn tít tắp với đủ các loại cây trái. Ở đó, họ vừa thưởng ngoạn thiên nhiên, vừa kết hợp tìm hiểu, khám phá sản phẩm du lịch, văn hóa, cuộc sống của con người trong khung cảnh thiên nhiên ấy. Bởi vậy, sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn trong từng tour, tuyến đặt ra yêu cầu liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, khu du lịch, nhà vườn TP Cần Thơ với các công ty lữ hành trong khu vực. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố hiện còn những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng này. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, thừa nhận: Tỷ lệ du khách lưu trú ở Cần Thơ còn thấp. Sản phẩm đặc trưng vùng miền chưa hấp dẫn, thiếu các hành trình du lịch tổng hợp và khả năng khai thác thế mạnh sông nước với đặc trưng miệt vườn để tạo sự phong phú, độc đáo của du lịch miền Tây. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng kết hợp với các di tích, danh thắng trên địa bàn để ngành du lịch thực sự bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH