Để quản lý và phát huy cao độ giá trị của địa đạo, những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam và khách du lịch quốc tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do vậy, công tác quản lý, giữ gìn các hiện vật trưng bày, xây dụng, sửa chữa các công trình lịch sử phục vụ khách tham quan luôn được lãnh đạo khu di tích quan tâm.

Đại tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho biết: "Để lan tỏa ý nghĩa tuyên truyền, đơn vị đã phối hợp tổ chức các buổi hội thảo khoa học về việc biên soạn tập sách ký sự lịch sử “Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1948-2018”; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khảo sát, thống kê các hiện vật tại đơn vị để xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, trưng bày khoa học, hợp lý, mang tính thẩm mỹ; gặp gỡ, phỏng vấn 31 nhân chứng lịch sử là những người dân Củ Chi và những người trực tiếp sống, chiến đấu, đào địa đạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; khảo sát thu thập 36 đầu sách, bản đồ, hồ sơ, đĩa DVD về địa đạo... cùng nhiều tài liệu khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay".

leftcenterrightdel
Học sinh tham quan, học tập tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. 

Việc quảng bá, thu hút du khách cũng được Đảng ủy, Ban giám đốc khu di tích quan tâm thông qua việc đầu tư thêm nhiều dịch vụ chất lượng, tổ chức các loại hình phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Gần đây, đơn vị còn trồng thêm rau, củ, quả trong Vùng giải phóng, bố trí nhân sự biểu diễn xay thóc, giã gạo, cấy lúa, bắt cá... tái hiện chân thực cảnh sinh hoạt của người dân Củ Chi trong chiến tranh. Cách làm này được coi là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống hấp dẫn, chân thực thông qua trải nghiệm thực tế.

Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã đưa vào loại hình chiếu phim 3D mô phỏng đánh bại trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng Tam giác sắt năm 1967 theo hướng hiện đại nhất, từ đó làm phong phú thêm loại hình phục vụ tại đơn vị; đồng thời giúp du khách hiểu rõ hơn, sâu hơn về sự hình thành, phát triển của Địa đạo Củ Chi; tổ chức phục vụ khách tham gia dịch vụ đánh trận giả bằng súng bắn đạn sơn và trường bắn thể thao quốc phòng; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mô hình chợ quê trong Khu tái hiện Vùng giải phóng với các món ăn truyền thống, dân dã đặc trưng của quê hương Củ Chi, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Năm 2022, đơn vị đã đầu tư, đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động.

Nhờ đó, đến với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, đi tới từng vị trí, địa điểm trong khuôn viên, du khách đều được nghe thuyết minh tự động, giới thiệu chi tiết địa điểm, di tích đang tham quan, rất thuận tiện để tìm hiểu, trải nghiệm.

Năm 2024, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi sẽ đưa vào phục vụ du khách Chương trình “Trăng chiến khu”. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi: Đây là sản phẩm du lịch đêm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, mang đậm bản sắc Củ Chi “đất thép”, được đông đảo nhân dân và du khách kỳ vọng. Chương trình tham quan “Trăng chiến khu” lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi sống trong Vùng giải phóng.

“Trăng chiến khu” được đưa vào hoạt động sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị; đồng thời thiết thực nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử đất và người Củ Chi.

Sự sáng tạo, đổi mới của Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thông qua cách tự làm mới mình và đầu tư nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn sẽ là điểm nhấn thu hút du khách trải nghiệm, tham quan. Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc khu di tích nhấn mạnh: “Muốn phát triển phải tự làm mới mình. Quán triệt tinh thần đó, chúng tôi đã đầu tư nhiều mô hình, loại hình mới lạ, ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách.

Đơn vị đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, bảo tàng, khu di tích... để nâng cao chất lượng, hiệu quả và làm mới chính mình, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút du khách đến với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi không chỉ một lần bởi những ấn tượng mới lạ, sâu lắng, khó quên... Tất cả những việc làm đó đều nhằm tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa sâu rộng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam đến với du khách và bạn bè quốc tế”.

Bài và ảnh: THÀNH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.