Qua mỗi chặng đường, bạn tự hào giới thiệu về cảnh sắc quê mình. Từ Đại lộ Thăng Long, chúng tôi vòng xe về hướng chùa Thầy. Xanh bát ngát những cánh đồng lúa dập dìu trong nắng mới. Xa xa, núi non điệp trùng in bóng nước rung rinh. Chỉ mới tới đầu xã Sài Sơn, không khí đã khác xa nơi phồn hoa náo nhiệt. Không gian thoáng đãng, khí trời mát mẻ... Chúng tôi vòng vào chính điện chùa Thầy. Hàng cau già đổ bóng nghiêng nghiêng bên mái chùa cong vút. Khuôn viên chùa gồm ba tòa bảo điện biệt lập là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Hệ thống tượng Phật trong chùa khá phong phú. Trong đó tiêu biểu là bộ tượng Di Đà tam tôn và tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đường lên núi khúc khuỷu, gập ghềnh. Những cây đại già uốn cong mình trổ hoa vàng trắng. Leo hơn 250 bậc thềm đá, chúng tôi đến trước trai phòng của Thượng tọa Thích Minh Đạo.

Thượng tọa dẫn chúng tôi sang hang Thánh Hóa. Tam đại tự sơn son “Thạch điểm đầu” vẫn còn ngời ngời trên vách đá gợi nhớ về sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác đầu thai luân hồi vào nhà Lý. Thầy kể với chúng tôi rằng: Sư tổ Từ Đạo Hạnh tục danh Từ Lộ, là con của quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Khi xuất gia học đạo đã cùng các ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Trúc tu luyện. Sau khi trở về, ngài lên núi Sài Sơn lập chùa giảng đạo, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Do vậy, nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn, gọi thiền sư là Thầy. Chính tại hang Thánh Hóa này, ngài đã ngồi thiền 100 ngày. Sau bách nhật, nhân dân vào hang vẫn thấy thơm tho, xác thầy khô từ trong khô ra, hồn bay về đầu thai làm con nhà Lý, sau này là vua Lý Thần Tông.

leftcenterrightdel
 Núi Thầy soi bóng nước hồ Long Trì.

Câu chuyện linh thiêng của vị thánh tăng khiến chúng tôi như bước vào một thế giới huyền diệu. Vậy mà chưa hết, nơi đây còn lưu dấu những cuộc đối ẩm bình thơ của Cao Bá Quát, ông Tổng Cóc và nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Vòng xuống Thần Quang động, nơi được Bà chúa thơ Nôm đặt tên hang Cắc Cớ để chỉ cái cớ nên duyên. Qua nhịp cầu duyên chật hẹp, muốn xuống chỉ có cách người đi trước dìu người đi sau. Trai gái nắm tay nhau mà nên nghĩa nên tình. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Dẫn chúng tôi xuống hang, anh Trần Văn Bẩy là cộng tác viên thuyết minh chỉ cho biết những nhũ đá tạo hình Phật Bà Quan Âm, hũ vàng, hũ bạc, bầu sữa mẹ cho con bú, nụ sen thần tắm mát rất linh. Nơi hang sâu càng bí hiểm hơn khi có bể xương của đội quân Lữ Gia chống giặc Hán đã bỏ mình dưới đáy hang. Du khách qua đây thắp một nén nhang, lòng thành dâng lễ cầu cho các vong linh siêu thoát.

Xuôi xuống chân núi, hồ Long Trì có tòa thủy đình đẹp tựa đóa sen chớm nở là nơi trình diễn múa rối nước. Hậu thế tri ân Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã khéo dựng xây đôi cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên đẹp như hàng mi cong tô điểm cho non nước Sài Sơn. Trước lúc ra về, bà Nguyễn Thị Mùi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa rối nước Sài Sơn gửi tặng mấy gói chè lam thơm hương lạc, ấm vị gừng cùng lời hẹn đến hội nhớ về xem múa rối nước. Chia tay rồi mà tôi vẫn bâng khuâng, thêm cảm phục những người dân Sài Sơn bình dị đang âm thầm gìn giữ nét đẹp truyền thống, điểm tô cho non nước quê hương thêm hữu tình.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.