Diện mạo mới trên mảnh đất lịch sử

Mặc dù Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ chưa diễn ra, nhưng nhiều ngày qua, đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đặc biệt lên Điện Biên vào những ngày tháng ba này, du khách còn được chiêm ngưỡng những cánh rừng trắng xóa hoa ban, loài hoa mang vẻ đẹp dung dị, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, biểu tượng cho tình yêu trong sáng, thủy chung.

leftcenterrightdel
Thiếu nữ dân tộc Thái khoe sắc cùng cánh Hoa Ban. 
leftcenterrightdel
 Thành phố Điện Biên Phủ khoác lên màu áo mới trước mùa lễ hội.
leftcenterrightdel
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: VŨ LỢI 

Đứng dưới chân Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Trung Nam, trú tại khu Nguyễn Thái Học, phường Gia Cẩm (Việt Trì, Phú Thọ) say sưa ngắm nhìn toàn cảnh TP Điện Biên Phủ. Đây là lần thứ 3 người thương binh nặng ở tuổi xưa nay hiếm lên thăm Điện Biên. Mỗi lần trở lại đây, ông lại thấy mảnh đất này sạch đẹp hơn, hiện đại hơn mà vẫn giữ được trọn vẹn những công trình, di tích gắn liền với chiến thắng oanh liệt của dân tộc.

leftcenterrightdel
Di tích Hố bộc phá nghìn cân trên Đồi A1. 

Đa dạng hoạt động kỷ niệm và sản phẩm du lịch mới

Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024 có chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” sẽ khai mạc vào tối 16-3 tại thành phố Điện Biên Phủ và kéo dài cả năm. Đây là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Theo đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, dự kiến sẽ có 169 sự kiện diễn ra; trong đó 13 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, 128 sự kiện do 33 tỉnh, thành phố hưởng ứng và 28 hoạt động do Điện Biên tổ chức. Một số sự kiện tiêu biểu, điểm nhấn, gồm: Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024; Giải đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - Cúp Báo Quân đội nhân dân”; Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh “Non sông liền một dải-Niềm tin chiến thắng”….

Để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, tỉnh Điện Biên đang tích cực chỉnh trang đô thị, khu, điểm du lịch; nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch; trùng tu, tôn tạo các điểm di tích văn hóa, lịch sử....

leftcenterrightdel

Giới thiệu với đồng bào về bức tranh Panorama, phản ánh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VŨ LỢI 

Theo đồng chí Lê Thành Đô, Điện Biên có lợi thế về du lịch lịch sử, tâm linh như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đền thờ Hoàng Công Chất… Do đó, tỉnh Điện Biên xác định đây là dịp để quảng bá tới du khách trong nước, quốc tế biết đến mảnh đất, con người Điện Biên với mục tiêu sẽ đón đạt mốc trên 1,3 triệu lượt du khách đến với tỉnh trong năm 2024.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan di tích Đồi A1. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG 

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên khẳng định, việc đăng cai Năm du lịch Quốc gia mang lại nhiều ý nghĩa đối với tỉnh miền núi, biên giới như Điện Biên, vừa giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vừa góp phần kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, từng bước xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, chúng tôi được biết, địa phương có 19 dân tộc anh em với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng; các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng, như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Đua thuyền đuôi Én; các lễ hội, Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Lào, Hà Nhì, Khơ Mú… Đây chính là tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa sẽ được tỉnh quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 33 di tích lịch sử được xếp hạng (có 1 di tích quốc gia đặc biệt là Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ); 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

leftcenterrightdel
Nghệ thuật Xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VŨ LỢI

Năm 2024 sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới được giới thiệu cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, lan tỏa thông điệp đến du khách trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hóa, du lịch của Việt Nam cũng như mảnh đất, con người Điện Biên - Tây Bắc. Trong đó, Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh mở rộng do các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Điện Biên, mời các tỉnh Tây Bắc mở rộng: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang..... có di sản xòe Thái, khèn Mông tham gia. Qua đó góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái và dân tộc Mông, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa các dân tộc trong tỉnh; tăng cường tình đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

leftcenterrightdel
Các cô gái dân tộc Thái giới thiệu với du khách quốc tế các món ăn truyền thống của đồng bào Điện Biên. Ảnh: VŨ LỢI 

Bên cạnh đó, địa phương còn giới thiệu đến đông đảo du khách không gian phiên chợ vùng cao; sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cho khách du lịch trải nghiệm các trò chơi dân gian các dân tộc; tổ chức các chương trình văn nghệ, giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái và các dân tộc: Mông, Hà Nhì, Khơ Mú, Mông, Si La, Cống, Lào, Xạ Phang..... 

leftcenterrightdel
Những cô gái Thái sặc sở trong mùa lễ hội. 

Những năm gần đây, Điện Biên dành nhiều sự quan tâm, đầu tư, nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch, thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên so với tiềm năng, sự phát triển ấy chưa thực sự tương xứng. Để thu hút, giữ chân du khách, thiết nghĩ Điện Biên không chỉ tiếp tục phát triển, làm đặc sắc thêm các sản phẩm đặc thù mà cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch với sự hấp dẫn, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của da dạng đối tượng du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.