Vùng đất nhiều tiềm năng

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, qua nhiều thời kỳ lịch sử đã để lại cho Điện Biên những di tích lịch sử có giá trị to lớn, như: Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất… Đáng chú ý, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học.

Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử, mà Điện Biên còn có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, du lịch lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực và các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc...

leftcenterrightdel
Khoảnh khắc thơ mộng trong khuôn viên hồ Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, Điện Biên còn là địa phương có đường biên giới dài hơn 455km tiếp giáp 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều lối mở dọc tuyến biên giới.

Tuy nhiên, việc khai thác các lợi thế này còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực và cơ sở hạ tầng. Khắc phục những khó khăn này, những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Năm 2022, đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch; GRDP tăng 10,19%; công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,2%; dịch vụ phục hồi tốt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 41%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,9%.

Đặc biệt, trong Quý I năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. GRDP tăng 6,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 21,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước tăng 12,3%. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 6,36% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3% so với cùng kỳ. Du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tháo “nút thắt” để phát triển

Nhằm tiếp tục phát triển những kết quả đã đạt được, những gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” là rào cản để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương châm “hạ tầng giao thông đi trước một bước”, tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiêu mọi nguồn lực để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và các tuyến giao thông kết nối các vùng động lực kinh tế của tỉnh. Đây là Dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng được khởi công từ cuối tháng 1-2022. Từ quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu phục vụ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.... Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối tháng 11-2023.

Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên (đoạn Nà Tấu – Mường Phăng) và Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 12 đoạn Km102 – Km139+650, tỉnh Điện Biên (Mường Lay – Mường Chà); Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.143; Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.147.  Đồng thời, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các dự án giao thông quan trọng khác, gồm: Dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/Quốc lộ 279) và Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 (đoạn Điện Biên – Tây Trang) và Quốc lộ 4H.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7-5-2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính, là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng hoàn thành, như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Bức tranh Panorama; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Tỉnh Điện Biên cũng đang kiến nghị với Chính phủ bổ sung thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thuộc “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2... Đồng thời, đề xuất, Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử - Du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo xung lực thúc đẩy phát triển du lịch, về nguồn, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Điện Biên.

Ngoài ra, tập trung thực hiện công tác quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Tiếp tục kế thừa những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch để địa phương phát triển xứng tầm là mục tiêu mà chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đang hướng tới.  

Bài và ảnh: CHÂU TÚ ANH