Dân phượt đi qua đường Hồ Chí Minh là những người đầu tiên phát hiện đồi sim tím lịm, đẹp mơ màng này. Nghe họ kể lại, tôi dần bị thu hút bởi màu sắc dịu dàng của hoa sim. Khi tìm đến huyện Cẩm Thủy để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng, tôi gặp gỡ chủ đồi sim là ông Lê Văn Thuật, trú tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đã có cơ hội được tìm hiểu về loài cây sim thú vị này.

leftcenterrightdel
Du khách chụp ảnh tại đồi sim. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Được biết cây sim vốn là một loài thực vật mọc dại ở rừng núi, ven sông suối. Loài cây này có lá đơn, mọc đối xứng nhau và lá có màu xanh lục. Hoa sim rừng màu tím, thường nở rộ vào mùa hè. Quả sim có hình tròn, ăn được khi quả chín màu tím sẫm hoặc nâu đen. Trồng sim không hề dễ dàng, từ việc chăm sóc những cây non, đến khi cây đã lớn. Khi mua giống về, đất đồi núi cứng và cằn nên việc đào đất trồng cây mất nhiều thời gian. Mặt khác, cây con trong quá trình sinh trưởng vẫn còn yếu, nhưng trên đồi nhiều sâu bệnh nên phải thường xuyên bắt sâu mới giảm thiểu việc cây còn non đã chết yểu.

Theo ông Thuật, địa hình đồi núi dốc ảnh hưởng lớn tới quá trình chăm sóc cây sim. Điển hình là khó khăn trong việc di chuyển, vận chuyển nước, phân bón lên đồi. Nhưng đặc tính cây sim tốt, không cần quá nhiều nước tưới vẫn có thể sinh sống trên đất đồi núi. Thường xuyên bón phân và kiên trì chăm sóc là chúng có thể phát triển tốt. Mùa quả sim chín thường đến vào tháng 6, tháng 7 hàng năm. Nhưng tìm kiếm nhân công thu hoạch sim gặp nhiều khó khăn bởi không phải ai cũng sẵn sàng leo lên đồi hái sim giữa trời nắng đổ lửa. Người thu hoạch sim không thể dùng quá nhiều lực, họ phải vô cùng khéo léo hái từng quả nhỏ một, tránh bị rụng và dập quả, như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng quả sim.

leftcenterrightdel

Ông Lê Văn Thuật bên cạnh đồi hoa sim. Ảnh: HẢI THANH 

Hiện tại, ông Lê Văn Thuật sở hữu 1ha cây sim rừng với số lượng khoảng 2.100 cây. Mặc dù có 4 năm kinh nghiệm trồng sim, nhưng 3 năm trở lại đây ông Thuật mới thực sự thu được lợi nhuận. Vào năm ngoái, cây đã tương đối lớn và cho ra quả. Tuy nhiên lượng quả thu hoạch còn ít và chưa đều. Cho đến nay, cây sim mới phát triển hơn, cho ra quả đều, sản lượng thu hoạch là 2 tấn/năm.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn và chọn nguồn mua không uy tín, khi trên thị trường sim rừng tươi và sim rừng đã qua chế biến, không bảo đảm chất lượng bị trà trộn. Bởi vậy, ông Thuật quyết tâm chăm chút từng cây sim bằng nguyên liệu truyền thống như phân bón, không sử dụng hóa chất để cung cấp ra thị trường bằng sim rừng nguyên chất.

Vào mùa xuân hoặc chớm hè tháng 5 là mùa mà hoa sim nở rực rỡ nhất. Khu vực ông Lê Văn Thuật trồng sim là địa thế đồi có độ dốc thoai thoải, dễ dàng ngắm được cảnh trên cao, lại gần sát với tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua nên vô tình thu hút sự quan tâm của du khách. Khi đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, du khách sẽ nhìn thấy một đồi hoa sim nở rộ với màu tím bắt mắt, rực rỡ giữa muôn vàn đồi cây. Từ đó, nhiều người đã lựa chọn nơi đây là bến dừng chân để tham quan và chụp ảnh.

Nắm bắt lợi thế du lịch đang ngày càng phát triển, cùng xu hướng du lịch gần gũi với thiên nhiên được nhiều người ưa chuộng, ông Lê Văn Thuật cho mở rộng đồi sim, chào đón khách du lịch tham quan và nghỉ ngơi tại nơi đây. Để có thể mở rộng và phát triển loại hình du lịch này, ông Thuật đã dựng nên 2 cái chòi cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống, liên hoan giữa một rừng sim thơ mộng và tận hưởng trọn vẹn không gian xanh tươi của núi rừng. Ngoài ra, ông còn mở một gian hàng cho thuê trang phục dân tộc, du khách có thể thoải mái lựa chọn nhiều kiểu dáng khác nhau và chụp ảnh tại đồi sim.

leftcenterrightdel

Du khách chụp ảnh tại đồi sim. Ảnh do nhân vật cung cấp

Những năm qua, dịch bệnh Covid-19 là tác nhân gây ảnh hưởng nặng nề với nền sản xuất. Tuy nhiên với ông Thuật, đó lại là khoảng thời gian bản thân tập trung cho quá trình chăm sóc cây sim. Ông tâm sự: Thay vì bất mãn bởi hoàn cảnh khó khăn, tôi chú tâm chăm sóc đồi sim và xây dựng những kế hoạch dự định cho tương lai để có thể phát huy tốt nhất giá trị của cây sim, hạn chế tối đa những tác động xấu của dịch bệnh.

Khi được hỏi về những dự định tương lai của mình, đôi mắt ông Lê Văn Thuật ánh lên một niềm hy vọng. Ông cho hay sẽ mở thương hiệu rượu sim rừng và các loại nước ép từ quả sim. Ngoài ra ông dự định mở rộng thêm đường đi lại và xây dựng thêm nhiều chòi để thuận lợi cho du khách tham quan, nâng cấp cảnh quan cho đồi sim. Từ đó tô điểm thêm cho vẻ đẹp và sự phát triển của quê hương. Đồi sim bạt ngàn có những bông hoa tím mộng mơ cùng nhiều món ăn ngon, rượu ngọt từ quả sim hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về núi rừng huyện Cẩm Thủy. Trồng sim kết hợp với du lịch không chỉ nổi bật là mô hình ưu việt mà còn thắp lên những hy vọng mới, thay đổi diện mạo cho nông thôn Việt Nam. 

HOÀNG LIÊN VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.