Tiếng những đứa trẻ chân chất của núi rừng ê a đọc bài lẫn trong tiếng gió thổi từ phía núi, làm lòng chị dịu đi giữa khung trời yên bình. Đã từ lâu rồi bản làng này chính là máu thịt của chị. Con suối hiền chảy róc rách đầu bản, những tầng mây trắng thì thầm trên đỉnh núi Phạn, con đường sỏi quanh co nối tới tận chân trời... tất cả là tình yêu bền chặt như cội rễ rừng già đâm xuống lòng thung sâu.

Một cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Bên ngoài vách nứa trời vẫn còn mù mịt giữa bóng đêm như co lại trong hơi lạnh cắt da. Chị chợt rùng mình, vội vã xoay người cầm cây đèn dầu soi lối vào buồng đắp thêm chăn cho Cải. Con trai của chị khẽ cựa mình, miệng chúm chím cười an nhiên trong giấc ngủ thật hiền. Chị âu yếm vuốt nhẹ mái tóc khét nắng, rưng rưng hôn lên làn má phúng phính ngăm đen của con.

Mưa vẫn bay rả rích. Hướng ánh nhìn ra màn đêm bất tận, u buồn, quá khứ bỗng hiện về trước mắt chị như những thước phim quay chậm, cũng vào một đêm mưa gió mịt mùng…

Minh họa Mạnh Tiến.

Đêm ấy, nằm trên chiếc giường tre cọt kẹt, chị cứ mãi thao thức. Nhắm mắt lại, những lát cắt ẩn hiện với chiếc giường bệnh trắng toát, giữa nhòe nhoẹt nước mắt khiến chị quặn lòng. Trong mơ, chị thấy lại mình đang bần thần nhìn mọi thứ giữa nỗi bàng hoàng, khi biết rằng sinh linh bé bỏng trong bụng đã xa mãi giữa bao niềm đợi chờ, mong mỏi. Chị cũng thấy cả lá đơn ly hôn đặt trên bàn như dấu chấm kết thúc tình yêu đầu đời, khi không lâu sau, bác sĩ bảo rằng chị không thể sinh con được nữa. Chị dường như ngộp thở trong căn nhà chỉ có nỗi buồn cùng sự lặng im. Cho đến một ngày chị bỏ lại tất cả, lặng lẽ ra đi trong đêm vắng. Dường như cuộc đời đã sắp đặt cho chị đến bản làng nhỏ dưới chân núi Phạn để ươm mầm chữ ở nơi này…

***

Chị cố giành lấy đứa bé từ tay già làng. Người thiếu phụ đã chết vì bị băng huyết quá nhiều. Dân bản kéo đến ngày một đông, người già, người trẻ đứng quanh mái lều xác xơ cùng bàn tán, chỉ trỏ, xì xầm. Mùi ẩm mục bốc lên dờn dợn, xung quanh choáng ngợp màu ảm đạm rợn người. Ngoài trời mưa rơi tầm tã trong tiếng sấm vang lên chát chúa, soi vào những gương mặt giận dữ hiện ra giữa màn đêm buốt lạnh.

- Cô giáo không được làm thế! Nó là một con ma rừng! Phải chôn sống nó cùng mẹ nó!

Già làng nghiến răng ken két. Ánh mắt cương quyết như có ngọn lửa bốc lên thiêu đốt chị trong cơn phẫn nộ vì đang chống lại tục lệ của làng. Chị cố ôm thật chặt đứa bé đỏ hỏn, đang khóc rấm rứt trong một chiếc khăn mỏng quấn tạm bợ, quỳ xuống trước dân làng xin hãy cho đứa bé được sống. Chưa bao giờ chị thấy mình mạnh mẽ như lúc ấy. Chị không thể bỏ mặc đứa bé, chị không thể để tiếng khóc non nớt đó cũng bị chôn xuống lòng đất sâu thẳm, lạnh căm. Chị phải cứu lấy nó…

“Mẹ ơi! Mẹ!”. Tiếng Cải đang ngủ bất chợt gọi mẹ kéo chị về thực tại. Chị bước khẽ tới giường, nằm xuống ôm Cải vào lòng vỗ về. Chị nằm nghe con thở nhè nhẹ, để những sợi tóc mềm của con khẽ cọ vào cổ, thấy lòng mình bình yên. Cải vừa đủ tuổi vào cấp hai, nhưng từ bản làng ra thị trấn để đi học là cả quãng đường núi dài hun hút và trắc trở. Từ tận đáy lòng, chị không muốn con cũng giống như những đứa trẻ trong bản, chỉ học để biết cái chữ rồi bỏ dở theo cha mẹ làm nương rẫy, hay trôi dạt đến các khu công nghiệp xa xôi nơi phố xá. Hơn nữa, chị lại đang mang trong mình căn bệnh khó đoán định… Nhưng nếu xa con rồi, cuộc sống của chị những ngày sau này sẽ thế nào, chị không dám nghĩ đến. Tim chị bất chợt lại nhói đau.

***

Một người đàn ông lạ mang dáng dấp của người ở phố đến tìm chị. Nét mặt hiện rõ vẻ ngần ngại, bối rối, miệng ấp úng nhận mình là cha ruột của Cải…

Người đàn ông bất ngờ quỳ sụp xuống trước chị. Khuôn mặt khắc khổ ngước lên nhìn chị tràn đầy nỗi ân hận, dày vò, khóe mắt sâu chực trào ra những giọt nước mắt:

- Tôi biết mình không đủ tư cách để quay về nơi này. Nhưng tôi sẽ bù đắp quá khứ tôi đã gây ra bằng cả phần đời còn lại. Xin chị, hãy cho tôi được nhận con, hãy để tôi nuôi nấng con bằng cả tấm lòng, tôi sẽ cho con một tương lai tốt nhất. Xin chị hãy cho tôi cơ hội được làm lại. Tôi biết ơn chị vô cùng…

Giọng người đàn ông run run, những nếp nhăn trên khuôn mặt xô vào nhau không kiềm được nỗi xúc động, đôi vành tai ửng đỏ lã chã mồ hôi, đôi môi cắn chặt nghẹn ngào. Vừa dứt lời, người đàn ông cúi gằm xuống cố giấu đi những dằn vặt chua xót, đôi bàn tay nắm lại run bần bật, hai đầu gối ghì lên nền đất lạnh. Gió từ đâu tràn về se sắt. Chị bất giác đưa tay ôm ngực, căn bệnh tim không cho chị được xúc động mạnh như lúc này. Ngày ấy, chị đã quỳ xuống trước toàn thể dân làng để xin được cứu Cải khỏi cái chết cận kề, thì bây giờ, chính cha Cải quỳ xuống trước chị để xin được nhận con. Chính người đàn ông ấy đã hèn nhát bỏ lại cô gái bản trẻ đẹp cùng giọt máu của mình để trốn về thành phố, chạy theo những tham vọng giàu sang mà vô tâm không quay trở lại. Để rồi người thiếu nữ bạc phận đã chết trong tủi nhục, cô đơn, trong sự ghét bỏ, khinh miệt của cả bản làng khi chưa kịp thấy mặt đứa con mình rứt ruột sinh ra. Hơn mười năm sau, chị liệu có nên chấp nhận lời thỉnh cầu cuối cùng đầy cay đắng? Còn Cải, khi lớn lên con có tha thứ cho lỗi lầm của cha?

***

Ở bản đang là mùa hoa sim tím. Hoa sim bung nở khắp thung lũng, dưới chân đồi, nhuộm tím cả khoảng trời trong veo. Cha của Cải đỗ xe phía dưới chân núi, rồi khệ nệ vác túi quà anh mang từ phố lên cho con và chị, hoa sim nở hai bên đường vương vít chân người. Người đàn ông ấy đã dành trọn mùa hè này cho Cải, bằng các chuyến đi vượt đường xa thăm thẳm từ phố lên núi Phạn, đem đến cho con bao niềm vui lấp lánh. Chị ngồi trước thềm nhà nhìn Cải tíu tít ra đón cha, lòng dâng lên bao nỗi niềm. Sự chân thành của người đàn ông ấy những ngày tháng qua, chị nhận ra tình thương anh dành cho Cải là vô bờ bến. Càng ngày chị càng thấy hai người giống nhau, ở khuôn mặt tròn, ở vầng trán cao và nụ cười ấm áp. Hai cha con cùng lên rừng hái quả dại, kiếm củi khô giúp chị thổi cơm, cùng tắm ở con suối đầu làng những buổi trưa nắng, cùng thả diều dưới chân núi Phạn. Chị dần cảm thấy tin tưởng và an lòng.

Hôm nay là ngày Cải cùng cha về thành phố. Anh đã thu xếp ổn thỏa trường học và cuộc sống ở thành phố cho con. Đã nhiều lần, anh khẩn khoản đề nghị chị hãy cùng đi với cha con anh, nhưng chị biết rằng những đứa trẻ đầu trần chân đất ở nơi đây cần chị. Và cả chuyện chị giấu với hai cha con căn bệnh của mình dạo này đang chuyển biến xấu. Một ngày nào đó, chị có thể sẽ như làn khói phía xa kia. Chị không muốn mình là nỗi lo lắng của anh và đứa con chị yêu thương hết mực.

Đêm hôm qua, sau khi nắm chặt tay anh dặn dò với tất cả niềm tin tưởng, chị đã vào giường, nén lại bao nỗi niềm mà nằm xuống dỗ dành con. Chị nói với Cải hãy cùng cha đi trước, chị sẽ thu xếp lớp học ở nơi này rồi anh sẽ đón chị vào sau. Chờ con ngủ, những giọt nước mắt nghèn nghẹn mới được chảy ra. Dù ngày sau có thế nào, trái tim chị sẽ mãi hướng về con, bằng tất cả nhớ thương cùng niềm mong mỏi tha thiết, rằng con của chị sẽ hạnh phúc và bình an. Chị không thể để những phút yếu lòng, những giọt nước mắt xót cay làm con mất đi một tương lai tươi sáng.

Cải theo chân cha ra chiếc xe ô tô đỗ ở đầu con đường sỏi. Chị lặng lẽ đi sau, cố nở nụ cười nhìn con mỗi lần Cải quay đầu lại. Bước chân chị bỗng dừng lại ở trước cổng nhà sàn. Chị chỉ cho phép mình được đứng ở đây tiễn con đi. Chị sợ lát nữa, Cải sẽ thấy những giọt lệ âm thầm lăn từ khóe mắt rạn vết thời gian của mình. Cha Cải cũng ngừng đi, khuôn mặt ngoảnh ra sau nhìn chị thoáng hiện lên nỗi buồn, ánh mắt mênh mang niềm khắc khoải. Chị làm vẻ tươi tỉnh, cúi xuống giấu nỗi rưng rưng hôn lên má con, khẽ ôm lấy đôi vai bé nhỏ của con rồi vội nói:

- Cải với cha đi trước, mẹ sẽ vào với con ngay thôi. Cải theo cha ra xe, mẹ đứng ở đây tiễn con nhé!

Hai cha con tiếp tục bước chậm về phía đầu đường. Cha Cải một tay xách túi quần áo của Cải, một tay nắm lấy tay con. Hoàng hôn phủ xuống bàng bạc núi đồi, chim rừng dáo dác bay về tổ. Tay chị run run vẫy tạm biệt con, miệng vẫn cố cười mà nước mắt đã bắt đầu nhòe nhoẹt. Bất giác khoảnh khắc cứu con khỏi dân làng hơn mười năm trước lại hiện về trước mắt chị. Bên tai chị dường như vọng lại tiếng khóc non nớt của Cải, trong lúc chị liều thân ôm con chạy về phía cuối rừng. Cả tiếng bập bẹ gọi mẹ thân thương, lần đầu tiên trong đời, chị cảm nhận được hơi ấm của tình mẫu tử tỏa lan trong tim da diết. Chị chìm trong những hồi tưởng ngày con chập chững tập đi, líu ríu tập nói như chú chim non sà vào lòng mẹ. Những ngày ấy, chị thấy mình được hồi sinh sau tất cả mất mát, vì có con bên cạnh. Tất cả như chỉ mới đây thôi, Cải ơi! Con đường sỏi dẫn từ căn nhà sàn xuống chân đồi thường ngày chị đi dài đến thế, sao lúc này bỗng ngắn quá trong từng bước chân nhỏ bé của con.

Bỗng chị nghe tiếng Cải vang lên giữa vô vàn thanh âm vọng về từ ký ức:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Là tiếng con gọi. Líu ríu. Trong trẻo. Non nớt. Tiếng gọi mà lần nào nghe chị cũng thấy tim mình tha thiết, rạo rực. Tiếng gọi đánh thức những niềm nỗi sâu kín, những vọng vang miên miết hơi ấm của con mà chị đã nâng niu từ lúc ôm con về. Sau khi cất tiếng gọi, Cải bỗng chạy về phía mẹ. Chị thấy mình không thể cố ngăn lại tình mẹ đang dạt dào chảy trong từng mạch máu nữa rồi, lúc này bước chân chị cũng đang chạy về phía con. Chị chạy đi như cái đêm mưa mịt mùng ngày ấy, chị đã chạy theo dân làng về phía cửa rừng mà không cần lí do. Bao nỗi niềm chợt vỡ òa, trái tim chị nghẹn ngào thổn thức. Gió đang thổi miên man bỗng im bặt, nắng phủ vàng con đường nở đầy hoa sim tím. Anh đứng lặng người nhìn hai mẹ con, bất giác nở một nụ cười rưng rưng.

Chị chạy tới vội vã ôm con vào lòng. Kể từ giây phút này, chị biết rằng mình không thể để xa con thêm một lần nào nữa…

Truyện ngắn TRẦN VĂN THIÊN