Bảo tàng Đồng quê là dự án do nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền sau khi nghỉ hưu sáng lập nên. Bảo tàng được xây dựng vào tháng 3-2011. Năm 2013, Bảo tàng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Bảo tàng Đồng quê đầu tiên của Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Bảo tàng Đồng quê tại thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Bảo tàng có 3 khu trưng bày chính là khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày trong nhà và khu lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đồng quê. Đến đây, du khách sẽ tìm thấy hương vị làng quê Việt trong những nếp nhà tranh, những căn bếp thơm mùi rơm rạ và những món quà quê ngọt ngào.

Tại khu trưng bày ngoài trời, Bảo tàng dành không gian cho các kiểu nhà đặc trưng của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ như nhà bần nông, nhà trung nông…. Khu trưng bày ngoài trời toát lên vẻ mộc mạc, thân thương với những cây trồng, vật nuôi đã gắn bó lâu đời với người dân quê như: Cây đa, cây đề, cây tre, cây trúc, cây gạo…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Hình ảnh thôn quê yên bình được tái hiện tại Bảo tàng Đồng quê.
leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 Những vật dụng sinh hoạt thường nhật của bà con nơi thôn quê Việt.

Khu trưng bày trong nhà gồm có 4 tầng. Trong đó, tầng 1 trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời quân ngũ, một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và xây dựng con đường “mang dáng hình Tổ quốc” của Thiếu tướng Hoàng Kiền.

Tầng 2 là khu trưng bày chính của Bảo tàng với chủ đề “Cây lúa với đời sống của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ”. Giao Thủy là vùng biển, vùng nước lợ nên có rất nhiều cây cói, người dân nơi đây sử dụng cây cói để dệt chiếu. Vì thế, du khách sẽ được tham quan tìm hiểu về dụng cụ dệt chiếu tại tầng 2. Ngoài ra, khu vực này còn trưng bày các dụng cụ lao động của ngành nông nghiệp, dụng cụ làm muối, dụng cụ đánh bắt thủy sản...

Tầng 3 là một kho mở với bộ sưu tập đồ đồng, chén sứ và tiền cổ. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập mâm đồng của triều đình nhà Nguyễn ở Huế; tiền xu Thái Bình Hưng Bảo; bộ sưu tập tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ; bộ sưu tập tiền giấy Đông Dương; bộ sưu tập tem phiếu thời bao cấp…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các bộ sưu tập đồ đồng, chén sứ và tiền cổ... được trưng bày tại Bảo tàng.
leftcenterrightdel
Đến với Bảo tàng, du khách sẽ được tham quan tìm hiểu về dụng cụ dệt chiếu.

Tầng 4 là thư viện với hàng nghìn đầu sách khác nhau được trưng bày theo chủ đề phục vụ du khách và người dân.

Tham quan khu trưng bày ẩm thực đồng quê, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu những món ăn dân dã gắn liền với bà con từ xưa đến nay như những món cơm quê, quà quê, rượu nếp quê, bánh gai, bánh khúc….

Bảo tàng đã khéo léo thông qua những bài thơ để giúp du khách hiểu hơn về những món quà quê gây thương nhớ nơi đây như: Bánh gai (Lá gai trồng ở bờ ao/ Đậu xanh ngoài bãi, nếp từ miền Giao/ Đường kính mật mía luyện nhào/ Bí xanh làm mứt cho vào làm nhân/ Dây cói, lá chuối làm bao/ Hấp xong tấm bánh ngọt ngào hương quê); bánh khúc (Bột nếp, lá khúc, đậu xanh/ Thịt lợn, muối mặn cùng hành phi thơm/ Nếp cái làm vỏ đổ nền/ Ăn rồi nhớ mãi tấm lòng Đồng quê); rượu nếp quê (Con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Bồi đắp nên Giao Thủy phì nhiêu/ Nơi giao hòa đất, trời, sông, biển/ Tạo ra bao đặc sản đồng quê/ Lúa thơm, muối trắng cùng tôm tép/ Chim trời, sú vẹt, ngao, cua, cá…/ Men quê, gạo dẻo với nước mưa/ Ủ kỹ, chưng lên rồi hạ thổ/ Rượu quê không độc cũng chẳng nồng/ Uống vào thơm ngọt đượm tình quê).

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Khu trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời quân ngũ, một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và xây dựng con đường “mang dáng hình Tổ quốc” của Thiếu tướng Hoàng Kiền.

Du khách cũng sẽ bắt gặp những bài thơ dành tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền và vợ ngay trong không gian Bảo tàng từ những cảm xúc thương mến làng quê Việt của người tham quan: “Tôi đến đồng quê một buổi chiều/ Lối mòn trong nắng gió hiu hiu/ Cô giáo trường làng mua đồng nát/ Chiến sĩ Trường Sơn dựng Bảo tàng/ Bức tranh quê nhỏ trong tầm mắt/ Chiến trường rộng lớn ở trên tay/ Đồng quê mộc mạc sao da diết/ Càng nhìn càng ngắm lại càng yêu”.

Rời xa những tấp nập, bận rộn nơi phố thị, đến với Bảo tàng Đồng quê để cảm nhận được vẻ đẹp yên bình nơi thôn dã, thương về những mái nhà tranh bên hàng rào dâm bụt trổ hoa đỏ và sân thóc vàng óng, nhớ về chiếc nồi gang trên bếp củi, chiếc vó bên bờ ao, nào là nơm, là đó, nào là cối xay, còn đó “hồn quê” trong những thúng, những mẹt, những bồ...

Bài, ảnh: TƯỜNG VY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.