1. Tục lệ này được gọi bằng những cái tên khác nhau ở các vùng quê. Cách gọi khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự nôm na mộc mạc, đậm chất dân gian thôn dã. Một số nơi gọi tục này là “cúng xóm". Làng tôi từ xưa gọi là “ăn xóm"... Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm sớm, nhiều nơi tổ chức “cúng xóm", “ăn xóm". Người dân chuẩn bị lễ vật, thường gồm ván xôi, chai rượu, con gà hoặc thủ lợn và hương hoa, bánh trái… dâng lên cúng thần linh thổ địa, cầu xin thổ thần bản xứ phù hộ cho cư dân mạnh khỏe, an lành.

Sau lễ cúng tế là bữa cơm thân mật, ấm áp nghĩa xóm tình làng. Người trong xóm ngõ ngồi hàn huyên, chia sẻ, chuyện trò vui vẻ, chúc nhau những điều tốt lành nhân dịp đầu xuân. Như vậy, tục “cúng xóm", “ăn xóm", ngoài ý nghĩa tâm linh, còn giúp thắt chặt tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các gia đình sinh sống trong xóm ngõ.

Việc chọn địa điểm, sự chuẩn bị, cách tiến hành… cũng mỗi nơi một vẻ. Ở làng quê có miếu thờ thổ thần thì việc cúng tế diễn ra trong khuôn viên miếu thờ. Nơi thành thị, phố phường thì người ta chọn một ngã ba, ngã tư rộng rãi, rồi bắc rạp lập đàn để cúng. Có nơi, những người làm lễ lụng thụng khăn đóng áo dài, có chiêng trống nổi lên rộn rã, bài văn tế soạn công phu trang trọng. Nhưng ở nhiều nơi, không có nghi thức trống chiêng, việc cúng bái diễn ra đơn giản.

Sau lễ cúng tế, có nơi, người trong xóm lần lượt vào thắp hương lễ bái, cầu xin thần linh thổ địa phù hộ cho gia đình, con cái mạnh khỏe, bình an, no ấm… Lại có những nơi, việc cúng bái trông vào các bậc cao niên, đại diện cho bà con trong xóm, giúp làm các thủ tục tâm linh chu đáo. Thôi thì cách làm có thể khác nhau, nhưng đều giống nhau ở lòng thành tâm sáng, thể hiện tín ngưỡng dân gian tự bao đời - tín ngưỡng thờ cúng thổ thần nơi cư trú, để vừa tạ ơn thần linh thổ địa, vừa cầu mong những điều tốt đẹp cho người dân.

Tục “cúng xóm", “ăn xóm" gắn với tâm thức dân gian sâu xa của người dân Việt từ xưa.

Thứ nhất, đó là nhận thức, quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá". Thổ công (còn gọi là thổ địa hoặc thổ thần) là vị thần cai quản một vùng đất nào đó. Không chỉ cai quản, vị thần ấy còn phù hộ, mang lại an lành cho người dân. Vì vậy, nhất cử nhất động, người dân làm việc gì liên quan đến đất đai như đào móng làm nhà, đào ao, đào giếng… đều phải cúng bái vị thần này, qua lễ “động thổ". Thứ hai, đó là nhận thức, tình cảm: Bà con lối xóm “tối lửa tắt đèn" có nhau; “Bán họ hàng xa mua láng giềng gần"... Chỉ ở gần nhau, trong cùng ngõ xóm, mới có điều kiện chạy qua chạy lại giúp nhau khi hoạn nạn, khi cơ nhỡ, có điều kiện cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật.

Như vậy, tục “cúng xóm", “ăn xóm" vừa liên quan tới “ý thức tâm linh", lại vừa liên quan tới “ý thức, tình cảm cộng đồng" của những người dân cùng sống, gắn bó với nhau trong một địa bàn cư trú. “Cúng xóm", “ăn xóm" không phải là một hình thức mê tín, mà là hình thức sinh hoạt cộng đồng ấm cúng, nhân văn, qua một bữa cơm chung - bữa cơm đoàn kết.

leftcenterrightdel
Một góc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ảnh: QUANG THÁI

2. Ở làng tôi (Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội), tục “ăn xóm" có từ thời xa xưa. Làng tôi có tới 12 xóm. Nhiều xóm lại chia thành các “ngánh" (“ngánh" là từ địa phương, có lẽ được hình thành từ các chữ: “ngách", “nhánh"). Mỗi ngánh thường có một miếu thờ thổ thần, tương ứng với một số hộ dân trong ngánh ấy. Thời trước, cứ sau Tết Nguyên đán hằng năm, dịp đầu xuân, các xóm trong làng, các ngánh trong xóm lại tổ chức “ăn xóm". Thường là ngày 8 tháng Giêng, tổ chức ăn xóm theo ngánh. Việc cúng bái diễn ra ở ngôi miếu thờ thổ thần của riêng từng ngánh. Hôm sau, ngày 9 tháng Giêng, lại tổ chức tiếp ở phạm vi toàn xóm. Việc cúng bái được tiến hành ở ngôi miếu chung của cả xóm. Lễ vật cũng thường là xôi, rượu, gà hoặc thủ lợn và hương hoa…

Làm lễ xong, trước khi dự bữa cơm đoàn kết đầu năm, dân xóm (gồm đại diện của các gia đình, không phân biệt nam nữ, già trẻ) nhóm họp nhằm điểm lại, xem xét việc thực hiện “hương ước" của làng ở xóm ngõ trong năm qua thế nào. “Hương ước" là luật lệ ở làng xã thời trước, do dân làng đặt ra. Làng xã Việt Nam xưa là một xã hội thu nhỏ, khép kín. “Hương ước" có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự kỷ cương làng xã. Tục ngữ từng có câu: “Đất có lề, quê có thói", hoặc “Làng theo lệ làng, nước theo phép nước", hay “Phép vua thua lệ làng"... Mới biết hương ước, lệ làng quan trọng biết dường nào ở làng quê thời ấy!

Tục “ăn xóm" ở làng tôi ngày nay vẫn được duy trì. Lễ cúng thổ thần được thực hiện ở miếu thờ thổ thần của xóm, do một bậc cao niên trong xóm làm chủ lễ. Bữa cơm đoàn kết diễn ra vui vẻ, ấm áp ở nhà sinh hoạt cộng đồng của cụm dân cư. Ngày “ăn xóm" đông vui, tiếng nói cười rộn rã như một ngày hội của xóm.

Tôi cũng đã đôi lần đi ăn xóm và có những cảm nhận thú vị về bữa cơm thanh đạm nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm này. Thật lạ! Những người trong một xóm, hầu như ngày nào chả gặp mặt nhau. Nhưng hôm nay, trong bữa cơm đoàn kết này, gương mặt nào cũng thấy gần gũi, thân thương. Không khí vui vẻ, chan hòa, như một sợi dây tình cảm kết nối họ với nhau, kéo họ xích lại gần nhau trong một mối đồng cảm sâu xa nghĩa xóm tình làng. Bữa cơm ấy, không khí ấy, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình. “Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi… Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi…”. 

Thì ra, ngoài bản thân mình, gia đình mình, mỗi người còn có ý thức, có tình cảm cộng đồng. Xóm ngõ không chỉ là con ngõ, là khu đất ở, có tính chất “địa lý" rộng hẹp ngắn dài… mà còn là một cộng đồng tình cảm, sống quây quần đói no ấm lạnh có nhau đã tự bao đời…

LÊ HỮU TỈNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.