QĐND - Thuở còn ấu thơ, không ít lần tôi hỏi bố mẹ và những người lớn tuổi rằng Tết có từ bao giờ? Cho đến nay đã ngoại tuổi lục tuần, tìm hiểu qua thực tế và sách báo, tôi cũng không tìm được câu trả lời. Chữ Tết có xuất xứ từ chữ “tiết”. Tiết trời vận hành theo vòng quay của vũ trụ với bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Chữ “nguyên” là bắt đầu. Chữ “đán” là buổi ban mai. Thời tiết những ngày Tết thường lạnh ở Đồng bằng Bắc Bộ, trung du và vùng núi, nhiều nơi có mưa xuân. Trời lạnh nên người ta trưng diện những bộ quần áo đẹp, mốt mới để đi chơi Xuân, chúc Tết. Tết là những ngày được nghỉ ngơi, sum họp gia đình, thư giãn, giao lưu tình cảm. Ở Nam Bộ, ngày Tết trời vẫn nắng bình thường.

Tết đến là dịp nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thể hiện  đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, triển khai các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công và chăm lo các đối tượng chính sách xã hội. 

Bánh chưng-món ăn truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thảo Như.

Tết đến, các loại hoa đào, mai, hồng, cúc, ly, lay-ơn.... thi nhau khoe sắc thắm. Những lọ hoa, cành đào, chậu quất đẹp được trưng bày trong nhà, trước cửa, ngoài sân. Tranh ảnh, lịch mới, đèn màu, hoành phi câu đối được trang trí ở phòng khách. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương vừa chuẩn bị tiền thưởng, quà Tết cho cán bộ, công chức, người lao động; vừa chủ động tổng vệ sinh, chỉnh trang công sở, phân công trực Tết, liên hoan Tất niên… Các cơ quan báo chí mời cộng tác viên gửi bài, ảnh, thơ, truyện, câu đối cho số báo Tết. Báo Tết được chuẩn bị công phu, giấy tốt, ảnh đẹp, nhiều trang, nhiều màu, nhiều thơ, ảnh, câu đối và phải phát hành sớm, tham dự hội báo Xuân. Các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương tích cực chuẩn bị những chương trình hấp dẫn về văn nghệ, thư giãn, giải trí để phục vụ công chúng…

Trong dịp Tết, các bến xe ô tô, ga tàu hỏa, sân bay nhộn nhịp đón tiếp khách đến mua vé và tỏa đi các tuyến. Thời kháng chiến, khó mua vé ô tô khách, tàu hỏa, được đơn vị cho phép về thăm nhà vài ngày, chúng tôi đã cuốc bộ “hành quân xa” băng rừng, lội suối trên trăm cây số về quê vui Xuân, đón Tết là chuyện bình thường.

Chợ dịp Tết sôi động hẳn lên, nhiều nơi tổ chức hội chợ Tết, hàng Tết các loại thỏa mãn nhu cầu của khách, có những mặt hàng “cháy chợ”, giá cả “leo thang” bất ngờ. Chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm hàng hóa  mà còn là nơi giao lưu văn hóa, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số, nơi gặp gỡ, hò hẹn của các lứa đôi.

Ngày 23 tháng Chạp, người ta lo làm cơm cúng tạ ơn và tiễn đưa Táo Quân về chầu trời, thả cá chép vàng để “hóa rồng” theo tục lệ. Sau đó, các gia đình lo đi tảo mộ, tân trang lại các phần mộ, thắp hương thơm, thỉnh cầu các thần linh, những người thân ở thế giới bên kia mong được “phù hộ độ trì” những điều tốt lành, mời các “vong linh” về ăn Tết. Các nơi lo tân trang lại cổng chào, nhà văn hóa, hội trường với cờ Tổ quốc, băng rôn, đèn điện, khẩu hiệu... rộn ràng chuẩn bị các hoạt động vui chơi mừng xuân.   

Từ khoảng 25 tháng Chạp trở đi, người miền Bắc lo gói, luộc bánh chưng vuông, người miền Nam lo gói, luộc bánh tét (bánh ống). Tuy khác nhau tên gọi, hình dáng nhưng cơ bản giống nhau về nguyên liệu làm, nên sản phẩm mang đậm đà hương vị ẩm thực truyền thống dân tộc. Các loại bánh, mứt, kẹo khác tùy theo tục lệ từng nơi và sở thích, hoàn cảnh kinh tế của từng người, từng gia đình để chế biến trước, trong và sau Tết. Ngoài thịt lợn để gói giò nạc, giò xào, làm nhân bánh, chế biến các món ăn, còn có gà, cá, các loại rau, đậu, hành muối, rượu, bia, chè, thuốc lá, trầu cau... được chuẩn bị chu đáo cho một cái Tết đậm đà hương vị ngày Xuân. Bàn thờ gia tiên được sắm sửa, chỉnh trang. Mâm ngũ quả cùng nhiều đồ thờ cúng được bày biện tươm tất, trong những ngày Tết cổ truyền luôn ấm áp hương khói, thành kính tưởng nhớ tổ tiên và người thân... Mọi sự chuẩn bị trước hoặc trong ngày 30 tháng Chạp phải hoàn tất để cúng cỗ Tất niên lúc chiều tối.

Đúng 12 giờ đêm là giây phút Giao thừa thiêng liêng nhất. Trời đất như giao hòa làm một. Năm cũ bước sang năm mới. Nhiều thành phố, thị xã, đô thị bắn pháo hoa. Các nhà thờ, nhà chùa đổ chuông ngân vang, tiếng trống đình làng, tiếng cồng chiêng nổi lên, các nhà máy kéo còi,  các gia đình thắp tuần hương mới trên bàn thờ gia tiên.

Sinh thời Bác Hồ chúc Tết và đọc thơ mừng Xuân mới trên đài phát thanh. Các vị Chủ tịch nước kế nhiệm vẫn duy trì nền nếp đọc lời chúc Tết trên đài phát thanh, truyền hình trong giờ phút đầu tiên của năm mới. Mồng Một, người Việt dành cho gia đình, nội tộc; người ta chọn người xông nhà, xông đất hợp tuổi, có sức khỏe, đạo đức tốt, thành đạt để mong muốn những điều tốt lành của năm mới; chúc Tết bố mẹ, ông bà, mừng tuổi, “lì xì”, “phát vốn” cho con cháu những đồng tiền mới. Mồng Hai, đi chúc Tết các gia đình anh em họ hàng, láng giềng, bạn hữu. Mồng Ba, đi thăm hỏi, chúc Tết các thầy, cô giáo; buổi tối làm cơm cúng, “hóa vàng” tiễn biệt tổ tiên...

Trong dịp Tết, các văn nghệ sĩ chọn ngày giờ khai bút làm thơ, viết văn, thư pháp, sáng tác nhạc, họa... Những người lao động, sản xuất,  kinh doanh xem ngày, giờ mở cửa hàng, cửa hiệu, công xưởng, xuống đồng ruộng... Các tổ chức đoàn thể, xã hội và gia đình lo lễ mừng thọ, trồng cây, họp đồng hương, đồng ngũ, đồng nghiệp, ban liên lạc...

Phong tục tập quán, tục lệ ngày Tết ở các địa phương muôn màu muôn vẻ, có những điểm giống và khác nhau. Khi đời sống khấm khá, mọi người ăn Tết to, gặp khó khăn phải ăn Tết tiết kiệm.

Tết đến, mong sao mọi người khỏe mạnh, hòa thuận, vui vẻ, không đốt pháo nổ, không mắc tệ nạn xã hội, chấp hành tốt kỷ cương, phép nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an toàn giao thông. Năm mới, cố gắng mới, tiến bộ mới!

NGUYỄN CÔNG HUÂN