Đa dạng sản phẩm du lịch

Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023 đang diễn ra sôi động tại Công viên 23-9 (quận 1) với chủ đề "Tâm điểm giao thoa-Hành trình sống động" với nhiều hoạt động hấp dẫn, các chương trình kích cầu và đa dạng sản phẩm du lịch. Trong số các tour du lịch được giới thiệu tại ngày hội lần này nổi bật là những tour nội thành được các công ty lữ hành đưa ra nhiều ưu đãi. Theo ghi nhận của phóng viên, các tour nội thành phong phú về điểm đến và có mức giá hợp lý, thỏa mãn nhu cầu du lịch của khách hàng trong mùa hè năm nay. Cụ thể như tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” và “Sài Gòn rong ca chiều thứ bảy”, có giá lần lượt chỉ 649.000 đồng và 669.000 đồng; tour du lịch ẩm thực chợ Bến Thành giá khoảng 2.000.000 đồng...

Để có những sản phẩm du lịch nội thành đặc sắc như trên, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã thực hiện thành công Chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Chương trình được triển khai từ đầu năm 2022, dựa trên tài nguyên lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có, chính quyền địa phương và doanh nghiệp lữ hành cùng đầu tư để cho ra những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương mình. Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3-2023, đã có 20/22 quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai 30 mô hình, sản phẩm du lịch đặc trưng. Điển hình trong số đó là các tour: "Gò Vấp-Trăm năm tìm lại dấu xưa", "Hóc Môn-Vùng đất lịch sử", "Quận 11-Có một Chợ Lớn rất khác", "Sống động Sài Gòn", "Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn”, “Lắng nghe hơi thở của rừng”, “Hóc Môn trên bến, dưới thuyền”, “TP Thủ Đức bên dòng sông xanh”, "Lái xe Vespa khám phá quận 3 đa sắc màu"...

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh: Chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" trở thành điểm nổi bật trong năm 2022 của ngành du lịch thành phố. Chương trình tạo chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa-lịch sử-kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn-Gia Ðịnh và nhịp sống hiện đại của TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền sản phẩm du lịch y tế; xây dựng kế hoạch sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm; nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực... 

leftcenterrightdel
 Du khách nghe thuyết minh khi tham gia tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: THANH BÌNH 

 

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Trong quý I-2023, tổng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh đạt 8,6 triệu lượt, tăng 79,17% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch đạt 36.112 tỷ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 37,2%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 84,5%, góp phần phục hồi ngành kinh tế dịch vụ của thành phố. Khách quốc tế đến thành phố tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng so với trước dịch Covid-19 thì vẫn còn một khoảng cách lớn. Cụ thể, tổng lượng khách du lịch quốc tế quý I-2023 đạt 1,04 triệu lượt, giảm 31% so với thời điểm trước dịch (năm 2019). Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sự cạnh tranh của các thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước; một số cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch chưa được mở rộng, nâng cấp phù hợp với tốc độ phát triển đô thị; thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan; chất lượng phục vụ tại một số địa điểm chưa bảo đảm...

Để xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Hồ Chí Minh cần nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và mức chi tiêu của du khách; tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cho ngành du lịch. Tại buổi tọa đàm về nguồn nhân lực du lịch mới do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Du lịch Vietravel, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò là cầu nối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề du lịch; xây dựng chương trình và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao tính thực hành gắn với nâng cao nhận thức về ngành du lịch, nghiệp vụ, ngoại ngữ của nhân sự làm việc trong ngành du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê, hiện nay thành phố có hơn 2.320 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và khoảng 120 khách sạn từ 3 sao trở lên. Thời gian qua, những cơ sở lưu trú này đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành khách sạn để đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Năm 2023, TP Hồ Chí Minh mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để du khách quốc tế có thể hài lòng với các dịch vụ, chất lượng của ngành du lịch. Thành phố cũng xác định sẽ giới thiệu thêm những hoạt động, điểm đến không chỉ trên địa bàn mà còn kết nối với các địa phương khác trong khu vực, tạo nên những điểm đến liên tuyến mới cho du khách. Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng hiệu quả với nhiều sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, hướng đến trao đổi khách hai chiều, tạo thêm thị trường cho những điểm đến, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của dân tộc cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

HOÀNG NGÂN