Hà Nội có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới

Mặc dù chỉ mới bước sang năm thứ ba nhưng Lễ hội du lịch Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là hội chợ được đầu tư công phu, chuyên nghiệp; là ngày hội thực sự của những người yêu thích du lịch. Trước lễ hội, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội thông tin: “Với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”, Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 sẽ giới thiệu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô ở cả khu vực nội thành và ngoại thành như: Phố cổ Hà Nội, các khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm (Sơn Tây), Đông Anh, Gia Lâm... Trong đó có nhiều sản phẩm tour được xây dựng mới hoặc được làm mới”.

Với tinh thần ấy, các đơn vị lữ hành đã tung ra nhiều sản phẩm mới hoàn toàn. Lần đầu tiên ra mắt, tour trải nghiệm thực tế kết nối di sản Hoàng thành Thăng Long-chùa Vĩnh Nghiêm-Tây Yên Tử và du lịch thành Cổ Loa đã thực sự hấp dẫn du khách bằng những trải nghiệm thực tế như tự tay in mộc bản, leo núi, làm mũi tên đất... Trong bộ áo mô phỏng hoàng cung, chị Tô Hải Hà, cán bộ Phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên ra mắt tour này, qua những so sánh giữa hoàng thành phồn hoa với nơi rừng thiêng trùng điệp, chúng tôi muốn giúp du khách hình dung rõ hơn về cuộc sống của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng như tấm lòng của ngài khi từ bỏ cung điện, sung túc để lên núi tu hành, phổ độ chúng sinh”. Trong khi đó, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ: “Đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thực hiện tour du lịch học đường trong khu phố cổ; tour khám phá cổ nhạc Hà Nội, các điểm di sản... ra mắt đúng dịp lễ hội”. 

leftcenterrightdel
Đông đảo du khách tới các gian hàng của hội chợ để tìm kiếm tour du lịch. 

Ngoài các tour, tuyến mới, nhiều tour cũng được làm mới để phù hợp với nhu cầu của du khách sau đại dịch Covid-19. Trong hội chợ, Công ty du lịch Vietravel giới thiệu hơn 30 hành trình du lịch được làm mới, Flamingo Redtours tung các chùm tour quốc tế, nội địa và kỳ nghỉ vàng trong hệ thống của mình... Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours bày tỏ: “Không còn là sự độc tôn của các sản phẩm du lịch nội địa như năm 2022, sự trở lại của tất cả các tuyến tour quốc tế một lần nữa khẳng định du lịch đã phục hồi toàn diện. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm có chiều sâu, có tính cá biệt hóa cao. Do vậy, bên cạnh các tour truyền thống, Flamingo Redtours còn tập trung giới thiệu chùm sản phẩm mới được dự báo sẽ lên ngôi trong năm 2023: Đa dạng về hành trình từ đường bộ đến đường bay; phong phú, mới lạ về trải nghiệm... Tất cả với mong muốn mang đến những hành trình thăng hoa, đong đầy cảm xúc tới du khách”.

Tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu nhiều hơn văn hóa Hà Nội

Có thể nói, tư duy làm du lịch của Hà Nội thay đổi rõ nét nhất chính là cách làm. Nổi bật là tổ chức hàng loạt chương trình sôi động như sự kiện “Unesco Travel Fest 2023-Together Again (Cùng nhau trở lại)" với sự tham gia của gần 1000 doanh nghiệp du lịch cả nước với các hoạt động kết nối; tọa đàm “Những vấn đề cần khắc phục và giải pháp hậu Covid-19”; khảo sát điểm đến... Du lịch Hà Nội còn tạo cho khách cơ hội tìm hiểu sản phẩm chân thật hơn với những trải nghiệm tại lễ hội theo tinh thần “phát triển du lịch phải gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên” như Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Lễ hội giới thiệu không gian quầy bia mậu dịch, như tấm vé của con tàu ký ức, là cơ hội để những người tham dự và du khách được biết đến bia hơi Hà Nội thời bao cấp. Bà Nguyễn Thị Mai Anh nhắn nhủ: “Người Hà Nội nghiện bia hơi nhưng không hẳn là nghiện bia, mà là nghiện cái không khí cùng bạn bè, đồng nghiệp, người thân tụ tập xếp hàng mua bia vào mỗi buổi chiều, uống cốc bia mát lạnh sau một ngày làm việc mệt mỏi, lai rai với mấy gói lạc rang thơm nức hay chiếc bánh đa giòn rụm và kể biết bao chuyện trên trời, dưới biển. Những khó khăn, vất vả trong cuộc sống tạm thời gác lại, tận hưởng tinh thần sảng khoái với ly bia đầy bọt. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đây là ký ức, kỷ niệm của bao người, bao thế hệ vẫn muốn một lần được trải nghiệm lại. Không gian nhằm giới thiệu bia như một nét văn hóa đã gắn bó lâu năm với người dân Thủ đô, không khuyến khích bán và tiêu thụ nhiều bia tại lễ hội mà kèm khẩu hiệu "Uống bia, rượu thì không lái xe" hay "Uống bia có trách nhiệm”.

Tương tự, sự kiện tái hiện đám cưới người Hà Nội những năm 80, 90 của thế kỷ 20 với tư vấn của các nhà Hà Nội học, những người có tuổi sinh sống tại phố cổ, cũng đưa người dân, du khách đến Thủ đô một trải nghiệm thú vị. “Tìm hiểu cuộc sống Hà Nội xưa luôn là một hành trình trải nghiệm văn hóa đầy hứng thú. Tôi biết thêm rằng đám cưới thịnh hành của người Hà Nội giai đoạn đất nước vừa thống nhất có khá nhiều pha trộn giữa cũ và mới, có phần cầu kỳ của phong tục văn hóa trước đó để lại với 9 lễ đồ cưới nhưng cũng có những “cập nhật” với bộ bàn ghế được phủ bằng vải con công, âm nhạc quốc tế... Những điều đó giúp tôi hình dung rõ hơn về cuộc sống người dân Hà Nội thời đó, cũng như hiểu hơn về Thủ đô ngày nay”, ông Nguyễn Văn Ngọc, du khách đến từ Bắc Giang chia sẻ. 

Bài và ảnh: PHÚC LINH