Lễ hội Đền Và được tổ chức hằng năm luôn thu hút đông đảo du khách. 

Sơn Tây - mảnh đất trung tâm của xứ Đoài xưa có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và đậm đặc những lễ hội. Hằng năm, trên địa bàn thị xã có 65 lễ hội truyền thống, nhưng lớn nhất phải kể đến lễ hội Đền Và - điểm đến tâm linh của nhiều người dân xứ Đoài và du khách thập phương. Chính vì vậy, người dân nơi đây từ xưa đã có câu ca: “Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và…”.

Đền Và (còn gọi là Đông Cung) tọa lạc tại đồi Lim với hàng trăm cây lim cổ thụ thuộc địa bàn thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964. Lễ hội Đền Và cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, di tích Đền Và và lễ hội Đền Và là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Chuẩn bị rước kiệu từ Đền Và sang đền Ngự Dội. 

Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kỳ, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (để tế lễ, diễn lại sự tích Thánh Tản Viên đã từng đến nơi đây), rồi quay trở lại Đền Và.

Đoàn rước kiệu và múa rồng phản ánh tục “cầu nước” đi đến đâu là dân làng đổ ra làm lễ, vui hội. 

Đoàn rước gồm 3 cỗ kiệu chính và những kiệu lễ của các thôn làng, đội múa rồng cùng các đội bát bửu, lộ bộ, đội nhạc, đội tế, đội dâng hương… Hình thức rước phản ánh tục “cầu nước” và múa rồng là biểu trưng cho sự vận động của bầu trời, mong cho mưa thuận, gió hòa. Trên đường đi, các đình, đền, chùa và nhân dân hai bên đường bày hương án, dâng hương hoa, lễ vật để tri ân Đức Thánh. Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của người dân và du khách. Đặc biệt, tục "chui kiệu" là một nét độc đáo trong lễ rước Thánh Tản Viên trong lễ hội Đền Và. Theo đó, nhiều người dân, nhất là những trẻ biếng ăn, chậm lớn, người già yếu, bệnh tật thì chui ngang qua gầm kiệu để cầu Thánh ban cho sức khoẻ.

Màn xoay tròn, tung kiệu tại các ngã tư là một nét độc đáo của lễ hội Đền Và. 

Xuân Quý Mão 2023, lễ hội Đền Và vào kỳ chính hội, được tổ chức với quy mô lễ hội vùng, diễn ra từ chiều 4-2 đến sáng 7-2-2023 (tức từ chiều 14 tháng Giêng đến sáng 17 tháng Giêng năm Quý Mão). Khai mạc lễ hội Đền Và ngày 14 tháng Giêng với các nghi thức: Lễ phong triều, khai hội, lễ dâng hương.

Đoàn rước kiệu đi thuyền qua sông Hồng để sang làm lễ tại đền Ngự Dội ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Lễ rước được tiến hành đúng ngày rằm tháng Giêng. Từ 5 giờ sáng, đoàn rước kiệu bắt đầu khởi hành, rước từ Đền Và đi qua một số đường phố ở thị xã Sơn Tây ra bến sông Hồng và đi thuyền vượt sông để sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, đoàn rước từ đền Ngự Dội trở về Đền Và, làm lễ yên vị.

Lễ tế chính tại Đền Và vào ngày 16 tháng Giêng, cùng với đó là rất nhiều hoạt động vui hội, các trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, giải trí, hội chợ… diễn ra tại đồi Lim, quanh khu vực Đền Và.

Các kiệu được rước lên bến sông trong sự chờ đón của hàng nghìn người. 

Đồng chí Hà Việt Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây, cho biết: “Lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống đông vui nhất xứ Đoài, thu hút đông đảo du khách thập phương, nên Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, an toàn, vui tươi lành mạnh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội Đền Và; đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành hương, trẩy hội”.

NGUYỆT ANH