Trong khi du lịch Việt còn loay hoay thì nhiều nước đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Chúng ta không thể chờ hết dịch mới quan tâm tới du lịch, bởi đây là ngành kinh tế tạo ra nguồn thu nhập, việc làm lớn cho xã hội.

Tiến trình phục hồi đang lạc nhịp 

Đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hai năm gặp dịch Covid-19, ngành du lịch "rơi thẳng đứng". Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL thông tin: “Không chỉ sụt giảm lượng khách mà doanh thu về du lịch trong hai năm 2020 và 2021 giảm sút nghiêm trọng. Đáng chú ý, đại dịch khiến hơn 2.000 doanh nghiệp du lịch rút giấy phép hoặc ngừng hoạt động. Lực lượng lao động đứt gãy, số lượng không có việc làm rất nhiều, hạ tầng du lịch không có điều kiện để đầu tư, các cơ sở lưu trú không có điều kiện để đón khách”.

Dịch vụ khám phá hang động của Oxalis Adventure. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở thời điểm hiện tại, khi ngành du lịch của các quốc gia gần như quay lại vạch xuất phát thì đây thực sự là cơ hội để các nước đón đầu xu hướng mới, phân chia lại thị trường. Theo chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương: “Tiến trình phục hồi của du lịch Việt Nam đang lạc nhịp so với thế giới. Trong khi thế giới đã tăng 31% so với năm 2020 thì du lịch Việt Nam đang tiếp tục “rơi”. Vì thế, câu chuyện đặt ra là phải phục hồi ngay và tốc độ nhanh hơn so với các nước để không tụt hậu”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Vai trò của du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thu hút 1,3 triệu người làm việc trực tiếp, đóng góp gần 10% GDP (năm 2019). “Đến nay, khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã cao thì phải tính toán ngay việc mở cửa du lịch. Không thể phục hồi kinh tế nếu không phục hồi du lịch. Phục hồi kinh tế, du lịch tất nhiên đi liền với bảo đảm an toàn và cần có những đổi mới phù hợp với tình hình mới. Trong quá trình này, doanh nghiệp cần được quan tâm đặc biệt, cần được cứu trước vì doanh nghiệp du lịch chính là trụ cột của ngành kinh tế du lịch”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Chậm thích ứng 

Việt Nam đón được cơ hội để khôi phục và nâng du lịch lên một tầm cao mới hay lãng phí những tiềm năng, thụt lùi, phá hủy môi trường, văn hóa? Điều này phụ thuộc nhiều vào những chiến lược, giải pháp, hướng đi, cách làm và sáng kiến mà ngành du lịch sẽ áp dụng cả trong ngắn hạn và dài hạn trước bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo. Nhận định chung của các chuyên gia đưa ra là doanh nghiệp của chúng ta còn chậm thích ứng.

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) cho rằng: “Việc vận dụng tài nguyên để tạo ra những sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới. Các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có khung pháp lý rõ ràng... cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn so với những sản phẩm du lịch truyền thống tồn tại nhiều năm nay. Sau đại dịch Covid-19, có nhiều loại hình du lịch truyền thống đang nhường chỗ cho các loại hình du lịch mới thay thế. Đây cũng là cơ hội để nắm bắt nhu cầu và thị hiếu, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, cách tiếp cận mới trong việc thu hút du khách đến Việt Nam”.

Ngoài việc chậm thích ứng trong đổi mới sản phẩm, cách làm, nhiều chuyên gia cũng nhận định cơ chế, chính sách của chúng ta chưa theo kịp sự biến động của thực tế, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đột phá mới về tài chính, thuế, hải quan sẽ có ý nghĩa trọng yếu để góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách, phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chúng ta đã có chiến lược, có tầm nhìn, có giải pháp lớn. Nhiều vấn đề trong đó chúng ta đã nói nhiều năm nay như hỗ trợ du lịch, quỹ du lịch, giảm thuế, giá điện... nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào thì hiện rất vướng. Chúng ta cần cố gắng giải quyết sớm”. Phó thủ tướng gợi ý: “Các doanh nghiệp lớn gần 10 năm trở lại đây có sứ mệnh dẫn dắt rất tốt, có nhiều sản phẩm đẳng cấp quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam luôn luôn hấp dẫn du khách quốc tế ở du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch này bổ trợ cho sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch lớn, đặc biệt nó cũng giúp đỡ rất nhiều cho người dân không chỉ về kinh tế mà tiếp cận được sự văn minh. Khách du lịch đến có sự trao đổi qua lại, giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới, đồng thời đem thế giới về tận vùng sâu, vùng xa. Để làm được điều này, cần sự liên kết giữa các thành phần cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Làm du lịch cộng đồng cần sự đầu tư, hướng dẫn, kết nối giữa các cộng đồng du lịch. Ngoài ra, chúng ta cũng cần khẩn trương tập trung số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch”.

TOÀN LINH