Trải nghiệm tinh thần và cơ hội phát triển
Đi du lịch để trải nghiệm tinh thần hay còn gọi là “du lịch tâm linh” gắn liền với các giá trị văn hóa phi vật thể, giúp con người có thêm niềm tin về cái chân, cái thiện, cái mỹ. Loại hình du lịch này không chỉ phục vụ người dân trong nước mà còn giúp khách du lịch nước ngoài hiểu hơn về lịch sử cội nguồn, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, những giá trị thiêng liêng, cổ kính của đất nước và con người Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, điều đặc biệt đáng chú ý của du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần là luôn gắn liền với các tôn giáo, các nơi thờ tự tri ân các anh hùng dân tộc có công với nước với dân hoặc là nơi thờ cúng tổ tiên… Dạng du lịch này còn gắn với hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hoặc những hoạt động gắn với sự linh thiêng… Vấn đề cốt lõi của du lịch tinh thần là sức khỏe, giúp con người cân bằng tinh thần và thể chất.
|
|
Nhân dân, phật tử dâng hương tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, du lịch tâm linh còn có ý nghĩa nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về nguồn cội, động viên mọi người cùng chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu, tươi đẹp. Hiện nay du lịch tâm linh ở nước ta đang là thị trường mở, với rất nhiều danh lam thắng cảnh cùng các di tích lịch sử. Lượng khách du lịch ngày một nhiều hơn.
Các hoạt động du lịch tâm linh cũng đang được nhà nước và xã hội quan tâm như đầu tư, cải tạo, nâng cấp tạo nên các giá trị văn hóa tín ngưỡng bổ ích, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Đồng thời mở rộng và chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ đa dạng phong phú, trật tự văn minh… để thu hút khách du lịch trong nước và thế giới. Về lâu dài, loại hình du lịch này là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân.
Những quần thể du lịch nâng cao trải nghiệm tinh thần nổi tiếng
Nhắc đến du lịch tâm linh, chúng ta phải kể đến quần thể du lịch cấp quốc gia Yên Tử. Đây là vùng đất nổi danh là đất Phật linh thiêng, có hệ thống chùa chiền với lối kiến trúc truyền thống cổ xưa rất độc đáo và hấp dẫn. Toàn cảnh khu di tích nằm trên đỉnh núi, với không gian thanh bình và trang nghiêm. Đây cũng là nơi quy tụ các di tích, các công trình văn hóa gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sở hữu một phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, thiên nhiên phong phú.
Một địa điểm nổi tiếng khác tại miền Bắc nước ta là quần thể du lịch Chùa Hương. Đây cũng là thắng cảnh nổi tiếng, độc đáo của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Toàn bộ hệ thống chùa gắn liền với núi rừng có kiến trúc hợp lý, hòa quyện giữa thiên nhiên và nhân tạo. Trời đất đã ban tặng cho vùng đất này phong cảnh núi non sông nước hiền hòa, thơ mộng với nhiều màu sắc lung linh sinh động, tạo nên một nét văn hóa riêng biệt. Năm 1770 khi chúa Trịnh Sâm qua đây đã thán phục khắc năm chữ lên động Hương Tích “Nam Thiên Đệ Nhất Động” (Động đẹp nhất trời nam).
|
|
Du lịch mùa xuân tại Chùa Hương bằng đường cáp treo, giúp du khách được chứng kiến toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao. Ảnh: Hương Giang
|
Xuôi vào miền Trung, chúng ta gặp thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) với hơn 70 ngôi đền được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Kiến trúc của thánh địa mang đậm dấu ấn của các phong cách cổ như: Hòa Lai, Mỹ Sơn, Đông Dương… Trải qua thời gian, khu di tích tuy bị tàn phá một phần, nhưng nơi đây vẫn còn rất nhiều tòa tháp nguyên vẹn với lối kiến trúc độc đáo, hấp dẫn khách tham quan.
|
|
Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN |
Khu vực miền Đông Nam bộ lại nổi bật với Tòa Thánh Tây Ninh. Công trình này được xem có lối kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của đạo Cao Đài. Sự độc đáo của công trình chính là sự kết hợp phong cách của nhiều văn minh tôn giáo trên thế giới. Hình ảnh Tòa Thánh Tây Ninh gợi cho du khách liên tưởng về hình tròn và hình vuông của đất và trời. Đây là niềm tự hào của người dân Tây Ninh.
Về miền Tây Nam bộ ta biết được sự nổi tiếng của miếu Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang). Miếu có bố cục kiểu chữ “Quốc”. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện đậm nét nghệ thuật. Cánh cửa chạm, khắc tinh xảo, hoành phi lộng lẫy, rực rỡ. Vào mùa xuân, Miếu Bà Chúa Xứ thu hút rất đông du khách thập phương đến thắp hương cầu nguyện và vãn cảnh chùa. Miếu Bà vang danh không chỉ về tâm linh mà còn có ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc.
|
|
Du khách đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: TTXVN |
Đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), ta nghĩ ngay đến các nhà tù gây ám ảnh nhất Đông Dương, với những dãy “chuồng cọp” tứ bề kẽm gai hay các phòng biệt giam không hề có ánh sáng mặt trời. Ngày nay, Côn Đảo đã có diện mạo mới, hiền hòa, căng tràn sức sống. Đất trời ban tặng cho Côn Đảo một thiên nhiên trù phú và thơ mộng. Đến Côn Đảo ta được chứng kiến tận mắt về vùng đất cách mạng đã trải qua nhiều đau thương trong qua khứ, với rất nhiều tên tuổi lớn lưu danh muôn thuở…
|
|
Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN |
Giới thiệu một số điểm du lịch tinh thần để thấy, nước ta có một tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch mạnh mẽ. Ngoài những quần thể du lịch quốc gia nêu trên, chúng ta còn rất nhiều khu du lịch lớn khác như Đền Hùng (Phú Thọ), nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính (Ninh Bình), Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương) hay các lễ hội tri ân các anh hùng dân tộc như Lễ hội Hai Bà Trưng, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ Hội Lam Kinh, Lễ hội Đống Đa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… Các lễ hội nông nghiệp như Lễ Tịch Điền, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Mbăng Katê (người Chăm), Lễ hội Nghinh Ông của cư dân biển dọc theo chiều dài đất nước.
Phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch tinh thần
Những năm qua, du lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển du lịch như tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân tại các điểm du lịch...
Tuy nhiên du lịch tâm linh vẫn còn nhiều hạn chế như khách đi du lịch tâm linh do mê tín dị đoan. Du khách chen lấn, hỗn độn, mất trật tự an ninh, xả rác bừa bãi, ẩu đả khi giành lộc. Những hiện tượng buôn bán hương hoa, vàng mã, tăng giá, chèo kéo mua đồ lễ làm phiền hà, gây khó chịu cho du khách. Tại một số điểm đến có đông du khách, nhiều dịch vụ ăn theo như xem bói, bốc quẻ, bán bùa may, nước thánh… vàng thau lẫn lộn.
|
|
Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, múa Long – Lân – Qui – Phụng tại đền thánh Cao đài Tây Ninh. Ảnh: TTXVN |
Vấn đề đặt ra là, người dân khi đi du lịch cần lưu ý đến trang phục và cách ăn mặc kín đáo. Việc ăn mặc lịch sự là thể hiện sự tôn trọng nơi thờ cúng. Trước khi đi tham quan du khách nên tìm hiểu trước thông tin nơi mình đi. Ở nhiều điểm du lịch tâm linh, khách không nên chụp ảnh. Ánh đèn flash có tác dụng xấu đến các hiện vật tại điểm đến và đó cũng là sự thiếu tôn trọng những nơi linh thiêng.
Sự cổ kính trong cấu trúc của các điểm du lịch tâm linh thường đồng nghĩa với sự mỏng manh, dễ bị bào mòn. Điều này đòi hỏi chi phí trùng tu rất cao. Phần lớn số tiền công đức của những điểm này thường dùng vào việc cải tạo, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Vì thế, nên để lại một chút công đức như tấm lòng thành khi đến những điểm du lịch tinh thần.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch tâm linh tại các địa phương, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tinh thần - sinh thái - nghỉ dưỡng để giữ chân du khách được lâu hơn và tạo điều kiện cho du khách chi tiêu nhiều hơn. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch tinh thần nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong loại hình du lịch này. Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm tập trung đầu tư theo quy hoạch bài bản, khai thác tốt những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch tinh thần để thu hút khách du lịch, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam phát triển lên một bước mới.
THÁI PHƯƠNG (tổng hợp)