Nhân lực du lịch thiếu thực hành
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, chất lượng nhân lực đóng vai trò tạo nên sự thành công của các sản phẩm, điểm đến. Thế nhưng theo số liệu từ Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), mỗi năm, ngành du lịch Việt Nam cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 người. Trong số lao động du lịch hiện nay, cũng chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Ngay cả 43% này cũng khó đáp ứng yêu cầu thực tế vì khi tiếp nhận doanh nghiệp phải đào tạo lại về thực hành. GS, TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhận định: “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Trên thực tế, số lượng sinh viên ngành du lịch ngày càng tăng, trong khi cơ hội thực hành tại doanh nghiệp lại hạn chế. Ngay cả những doanh nghiệp tâm huyết với đào tạo cũng khó có thể tiếp nhận hàng trăm sinh viên cùng lúc. Đây chính là điểm nghẽn lớn”. Vấn đề thực hành cũng được bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra: “Du lịch Việt Nam thiếu trầm trọng người quản lý giỏi, lao động có kỹ năng chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi khi làn sóng nhảy việc, chuyển việc đang diễn ra gay gắt. Yêu cầu đặt ra là các chương trình đào tạo cần phải gắn liền với thực tiễn phát triển của ngành nhiều hơn (khoảng 70% thực hành) để giúp sinh viên học xong là ra làm nghề được”.
 |
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội học thực hành pha chế. |
Từ phía các trường đào tạo, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cảnh báo tình trạng một số nhân lực tốt của ngành du lịch đã chuyển nghề sau dịch Covid-19 và không có ý định quay trở lại, khiến nhân lực tốt của ngành du lịch càng bị thiếu. Áp lực đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường vì thế cũng tăng lên. Bên cạnh đó, TS Hoàng Ngọc Tuệ, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ-Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp thường phàn nàn về chất lượng sinh viên, nhưng khi đồng hành với trường trong quá trình đào tạo lại thiếu sát sao. Điều này khác một số doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng sẵn sàng cử chuyên gia, chuyển tiền để hỗ trợ đào tạo rất chặt chẽ”.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Để giải quyết vấn đề lao động du lịch ra trường thiếu kỹ năng thực hành, một trong ba yêu cầu quan trọng nhất của nghề (cùng với thái độ phục vụ và năng lực ngoại ngữ), cần sự thay đổi vĩ mô của cả hệ thống trong khi nhu cầu thị trường lúc nào cũng nóng. Vì thế, một số trường đã tự tìm lối ra bằng cách dám nghĩ khác, làm khác.
Một trong những mô hình đạt được thành công khá ấn tượng là cơ sở đào tạo nghề Netspace. Mô hình đào tạo của Netspace ngắn hạn (chỉ 16 tuần) nhưng thương hiệu Netspace được thừa nhận không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Nhiều học viên tốt nghiệp có thể ra nước ngoài làm việc ngay, nhiều học viên là người nước ngoài cũng tìm về Netspace để học tập. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quốc Y, Phó chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, Giám đốc Netspace, chia sẻ: “Nhiều bếp của chúng ta kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm kém vì chúng ta quan niệm sai lầm về nghề bếp như nghề này có thể tự học, học bếp chỉ cần học cách nấu đồ ăn mà không cần quan tâm những thứ khác... Ở Netspace, học viên trải qua 95% chương trình là thực hành, 5% lý thuyết. 5% này giúp học viên nắm chắc lý luận để không mắc những quan niệm sai lầm trong nghề. Vấn đề là 5% này cũng được giảng dạy trong quá trình học thực hành. Chương trình của Netspace được xã hội quan tâm (đào tạo hơn 20.000 học viên từ khi thành lập tới nay), nhu cầu học rất cao có lẽ nhờ tính cô đọng, đề cao văn hóa ẩm thực, đặc biệt với các món ăn Việt”.
Tối đa hóa thực hành để học viên sớm trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, Trường Quản trị khách sạn quốc tế Imperial áp dụng mô hình khách sạn trong trường học. Ở đây học viên đến làm việc tại khách sạn như một nhân viên thực thụ, dưới sự chỉ dẫn của các giảng viên giỏi, thấp nhất là trưởng bộ phận. Khách đến khó có thể phân biệt được đâu là học viên và nhân viên khách sạn. Trường cam kết chất lượng đầu ra nhưng tuyển đầu vào chặt chẽ và buộc học viên sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong quá trình học. GS, TS Đào Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chương trình tại Imperial quy định rõ: 70% thời lượng là thực hành và 30% là lý thuyết. Phần lý thuyết không tách rời thực tế mà được xây dựng thành các mô hình ứng dụng giúp sinh viên học lý thuyết trên cơ sở trải nghiệm thực tiễn”.
Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo cũng là một hướng đi được nhiều trường áp dụng, giúp tối ưu hóa việc giảng dạy ngoại ngữ, xây dựng mô hình thực hành ảo và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên. TS Hoàng Ngọc Tuệ cho biết: “Để thực hiện sứ mệnh đào tạo đại học là những lao động có năng lực quản trị trên nền tảng nghiệp vụ, nhà trường ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và AI theo 3 giai đoạn: Trước giờ lên lớp sinh viên sử dụng ứng dụng để nắm trước bài học, học bài trên lớp theo hướng dẫn và thực hành ảo”.
Có thể thấy, những cách làm của các trường đào tạo du lịch đã có được kết quả khả quan, đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, dễ nhận thấy các mô hình đào tạo này đều yêu cầu cao về chi phí đào tạo, đầu tư tốn kém nên không dễ áp dụng đại trà. Do đó, theo các chuyên gia, vẫn cần sự vào cuộc của nhiều phía, từ nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà trường, giáo viên đến cả bản thân sinh viên du lịch để các em vững vàng hơn khi bước vào thị trường lao động. TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Thực ra, chúng tôi không lo các em thất nghiệp mà chỉ băn khoăn là sinh viên của mình ra trường đi làm ở đẳng cấp nào, 5-10 năm tới, sự nghiệp các em ở đâu. Vì thế, ngoài thay đổi phương pháp dạy, liên kết với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực hành, chúng tôi tổ chức các khóa hướng dẫn các em tự học, bởi đây mới là điều quan trọng, giúp các em vững vàng nghề khi bước chân vào thị trường lao động”.
Bài và ảnh: ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.