Tạo điểm nhấn từ những đặc trưng văn hóa, sản phẩm du lịch

Những ngày này, đến các điểm di tích lịch sử nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nhà hát thành phố... chúng tôi đều chứng kiến rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Điều đó cho thấy hoạt động du lịch đã được khôi phục mạnh mẽ, khởi sắc sau nhiều giải pháp đồng bộ để phục hồi, kích cầu du lịch của địa phương, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, doanh nghiệp du lịch lữ hành, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch triển khai những chương trình quảng bá, đáp ứng các tour du lịch đậm nét đặc trưng TP Hồ Chí Minh, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách.

Trong dịp Tết, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 65.000 lượt; các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí và dịch vụ... thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt khoảng 250.000 lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 6.300 tỷ đồng.

Cảnh quan khu vực Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố (quận 1) được tôn tạo, trồng hoa đẹp mắt, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.
 

Điểm mới của hoạt động du lịch dịp Tết là nhiều đầu mối công ty lữ hành của thành phố đã tổ chức các tour tham quan điểm du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh và kết nối với những điểm du lịch ở địa phương lân cận. Riêng hình thức này đã thu hút được khoảng 23.000 lượt khách tham gia, tạo doanh thu khoảng 148 tỷ đồng. Đối với khách đi du lịch nước ngoài, các doanh nghiệp lữ hành đã phục vụ khoảng 18.000 lượt khách với doanh thu khoảng 432 tỷ đồng. Nhằm thể hiện tinh thần hiếu khách, nét đẹp văn hóa thân thiện, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ đón đoàn khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh đầu năm 2023. 

 Ngay từ đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động tạo điểm nhấn đặc trưng cho các điểm du lịch như: Hội thảo, chương trình bình chọn, triển khai chiến lược "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch" nhằm khai thác những giá trị lịch sử, những điểm đến hấp dẫn để thu hút nhiều du khách đến với thành phố. Qua đó đã phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mới, khai thác những điểm tham quan mới tại các quận, huyện của thành phố. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã phát động cuộc bình chọn “TP Hồ Chí Minh-100 điều thú vị” bao gồm các nội dung: Top 10 các chương trình tham quan thú vị; điểm tham quan thú vị; điểm giải trí thú vị; điểm mua sắm thú vị; cơ sở lưu trú du lịch thú vị; nhà hàng thú vị; quán cafe thú vị; sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao thú vị; điểm check-in thú vị; món ngon thú vị.

Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: "TP Hồ Chí Minh sở hữu không gian đô thị đặc trưng, năng động và hiện đại, có sức hấp dẫn riêng biệt, bởi đây là mảnh đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, ẩm thực khác nhau của cả nước và quốc tế. 100 điều thú vị là một bản đồ cho khách du lịch, là bức thực họa. Từ đó, những điểm đến TP Hồ Chí Minh được giới thiệu thật tự hào, trang trọng, tạo những sức bật cho ngành du lịch vốn rất cần động lực cho sự tăng tốc phục hồi. Chương trình nhằm quảng bá đến du khách một TP Hồ Chí Minh "Cởi mở-trẻ trung-sống động-hứng khởi-hướng về tương lai".

Đa dạng loại hình du lịch, đón đầu các cơ hội

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 32 triệu lượt khách nội địa, doanh thu ngành du lịch đạt 131.000 tỷ đồng, các chỉ số này cũng tăng gấp đôi so với năm 2021. Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2022, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Để đạt những mục tiêu trên, đưa hoạt động du lịch bứt phá, bền vững, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục tập trung các giải pháp đã phát huy hiệu quả như: Xây dựng sản phẩm du lịch mới, gắn với đặc trưng văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, tăng cường sự liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để xúc tiến du lịch, xây dựng tour du lịch liên vùng, liên tỉnh; xây dựng hệ sinh thái dịch vụ du lịch trọn gói chất lượng cao... Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần có những kế hoạch cụ thể hơn nữa để phát triển các sản phẩm du lịch như: Kinh tế đêm, du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm... Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chất lượng, góp phần phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup, cơ hội đón khách du lịch quốc tế trong năm 2023 là rất lớn. Cơ hội có nhiều nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách, nguồn vốn thì sẽ vuột mất. Doanh nghiệp lữ hành, phục vụ du lịch hiện có rất nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Công ty Du lịch Vinagroup hiện nay đã dần phục hồi nhiều sản phẩm du lịch quốc tế, xây dựng những tour chuyến có các yếu tố đặc trưng, bảo đảm an toàn, dịch vụ tốt nhất.

Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group, đơn vị quản lý, khai thác App du lịch quốc tế Travelner cho biết: "Ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch là yêu cầu, xu thế tất yếu để phát triển du lịch thông minh. Thông qua các ứng dụng, khách du lịch chỉ cần sử dụng điện thoại có kết nối internet là có thể tiếp cận, kết nối các dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn, tiện lợi nhất trong những hoạt động di chuyển, tham quan, lưu trú, mua sắm, đổi ngoại tệ... Vì thế, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần xây dựng những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tạo sự đột phá từ công nghệ, chất lượng và yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời gian tới".

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN