Chuyên môn vững, lối sống mẫu mực

Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ-người thầy tại chỗ-là một trong những yêu cầu được các đơn vị đặt lên hàng đầu; coi đây là giải pháp then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện CSM. Bởi vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ trước mỗi mùa huấn luyện được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đề cập nội dung này, theo Thượng tá Vũ Đại Dương, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không-Không quân): Với quan điểm muốn có trò giỏi phải có thầy tốt, sư đoàn đã tổ chức tốt đợt tập huấn cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn với thời gian một tháng tại sư đoàn; tiếp đó các cấp tổ chức tập huấn tại đơn vị theo phân cấp, bảo đảm đúng, đủ nội dung và thời gian quy định.

Đối với các cán bộ được tăng cường vào khung huấn luyện CSM, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 365 chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững, khả năng truyền đạt tốt và tiếp tục được “sàng lọc” trong quá trình tập huấn cán bộ. Nếu đơn vị nào cử cán bộ không đủ năng lực tham gia huấn luyện CSM sẽ bị sư đoàn chấn chỉnh, phê bình nghiêm khắc.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) thi đấu bóng chuyền trong ngày nghỉ.

Nhìn chung, trong quá trình tiếp nhận, quản lý, huấn luyện CSM, cán bộ các cấp ở nhiều đơn vị đều có chung quan điểm lấy hướng dẫn, chỉ bảo, giáo dục, thuyết phục là chính; chú trọng liên hệ thực tiễn, định hướng hành động kịp thời cho CSM; trong giáo dục, huấn luyện cần có phương pháp bảo đảm cho CSM dễ nghe, dễ hiểu, dễ quan sát; cán bộ từ cấp tiểu đội đến đại đội thực hiện hiệu quả, thực chất 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với CSM.

Cùng với khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm nơi ăn ở, đời sống vật chất, tinh thần, cũng như nắm chắc lý lịch CSM, Đại úy Nguyễn Đình Quang, Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 84, Lữ đoàn 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc) đặc biệt nhấn mạnh đến phương pháp nắm và quản lý tư tưởng CSM: “Muốn quản lý được CSM, phải gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với chiến sĩ; phải hiểu chiến sĩ nghĩ gì, cần gì ở mình; đặc biệt, phải tạo được sự tin cậy đối với chiến sĩ”.

Về Lữ đoàn 139, chúng tôi còn được nghe tâm sự của nhiều CSM-trong đó có những đồng chí đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học-bị chinh phục bởi lối sống mẫu mực của đội ngũ cán bộ khung. CSM Phạm Ngọc Đạt, Tiểu đội 8, Trung đội 9, Đại đội 10, Tiểu đoàn 60, là một trong số đó. Đạt học Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải. Trước khi nhập ngũ, trong hình dung của Đạt thì quân đội là môi trường khắc nghiệt, với những người chỉ huy khô cứng và nguyên tắc. Song ngay khi bước chân về đơn vị, Đạt được Tiểu đội trưởng Vũ Minh Chiến xách ba lô giúp, ân cần đưa về phòng ở; rồi những ngày sau đó được hướng dẫn tận tình từ việc nhỏ nhất, như cách để giày dép sao cho ngăn nắp, đến huấn luyện những nội dung mới mẻ như điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật chiến đấu bộ binh. “Đội ngũ cán bộ khung là những thủ trưởng có tác phong mẫu mực, nghiêm túc trong công việc; là những người thầy có kiến thức sâu, phương pháp sư phạm tốt và thái độ tận tình trong truyền đạt kiến thức; là những người anh luôn gần gũi, quan tâm, giúp đỡ, động viên, cùng CSM giải quyết những vướng mắc nảy sinh, nhất là trong tư tưởng; và luôn lắng nghe, sẻ chia tâm tư tình cảm và hòa đồng tham gia các hoạt động phong trào với CSM như những người bạn”, Phạm Ngọc Đạt xúc động tâm sự.

Thật ngẫu nhiên, về Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) lần này, chúng tôi gặp hai chiến sĩ đều đã tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực. Người đầu tiên là chiến sĩ năm thứ hai Đặng Phúc Kiêm, viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 2018, với mục đích vào môi trường quân đội để rèn luyện bản lĩnh và tính kỷ luật, lấy đó làm hành trang quý giá cho chặng đường đời phía trước. Người thứ hai là CSM Trần Văn Tuất, vừa nhập ngũ năm 2019 theo lệnh gọi và sau một thời gian huấn luyện đã cảm mến quân đội và có nguyện vọng phục vụ lâu dài. Không chỉ có điểm chung khi đều là “cựu sinh viên” Trường Đại học Điện lực, mà Kiên và Tuất còn có điểm chung khác đó là cùng có sự tin cậy, khâm phục, yêu mến đội ngũ cán bộ khung, bởi các anh vừa chính quy, gương mẫu, nghiêm túc, vừa gần gũi, sẻ chia, quan tâm đến bộ đội…

Cần có thêm những giải pháp thiết thực

Trong những năm gần đây, việc có thêm nhiều thanh niên có trình độ cao nhập ngũ vừa tạo thuận lợi, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý, huấn luyện CSM. Đại tá Phạm Quang Hải, Chính ủy Sư đoàn 312 cho biết: "Nhìn chung, CSM có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học có nhận thức tốt, khả năng tiếp thu nhanh, tự giác chấp hành kỷ luật, sớm hòa nhập với môi trường mới. Nếu khuyến khích và phát huy tốt vai trò của những chiến sĩ này thì sẽ có tác dụng thúc đẩy tập thể đạt được những kết quả tích cực hơn. Do đó, các đơn vị thường lựa chọn, bồi dưỡng những CSM thuộc nhóm nói trên trở thành “hạt nhân” trong học tập cũng như hoạt động phong trào, sao cho phù hợp và phát huy tốt trình độ, chuyên môn anh em đã được đào tạo".

Tương tự, ở Sư đoàn 365, số CSM đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học cũng được sử dụng hợp lý, góp phần tạo ra những “cú hích” cho các hoạt động. Thiếu tá Nguyễn Thế Điệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu (Sư đoàn 365) liệt kê: CSM Nguyễn Trung Thành, đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, được bồi dưỡng trở thành hạt nhân trong các hoạt động thể dục, thể thao của đơn vị. Trong khi đó, CSM Trịnh Xuân Tiến, tốt nghiệp Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình, phát huy tốt khả năng khi được đơn vị giao nhiệm vụ tham gia vào hoạt động phát tin nội bộ… Đây cũng là cách làm ở Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312). Qua tìm hiểu thực tế đơn vị và trao đổi với Thiếu tá Phạm Quang Huy, Phó chính ủy Trung đoàn 141 được biết, ở trung đoàn, những CSM có chuyên môn về ngành y sẽ được đưa vào tổ quân y để chăm sóc sức khỏe bộ đội, CSM có chuyên môn ngành điện sẽ được đưa vào tổ bảo đảm doanh trại, CSM có chuyên môn ngành văn hóa sẽ được đưa vào tổ tuyên truyền…

Với sự đa dạng của CSM về cả lứa tuổi, quê quán, dân tộc đến thành phần xuất thân, trình độ, năng khiếu, tính cách, quân đội thực sự là trường học lớn của CSM. Nắm chắc lý lịch, quan tâm chu đáo, chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời tư tưởng bộ đội; tổ chức huấn luyện, rèn luyện bộ đội nghiêm túc, đúng chương trình, kế hoạch với sự tham gia có trách nhiệm cao của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các cấp; duy trì không khí dân chủ, đoàn kết, gắn tôn trọng với phát huy tối đa khả năng của CSM… nên chỉ sau một thời gian ngắn, tư tưởng của CSM ở các đơn vị toàn quân ổn định. CSM đã yên tâm, dần gắn bó với đơn vị và tích cực tham gia huấn luyện, rèn luyện.

Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ, nhìn nhận từ góc độ của một sư đoàn chủ lực, theo Đại tá Phạm Quang Hải, Chính ủy Sư đoàn 312: Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nắm, quản lý nguồn thanh niên ở độ tuổi nhập ngũ. Bởi, khi càng chịu áp lực về nguồn, thì chất lượng CSM càng bị ảnh hưởng và chi phối mạnh. Thêm nữa, các cấp cần nghiên cứu, hoàn thiện một số quy định cho phù hợp với thực tế, ví dụ quy định về hình xăm trên cơ thể CSM. Khi chiến sĩ có hình xăm, không chỉ gây ảnh hưởng nhất định đối với tâm lý của tập thể, mà còn gây phản cảm trước nhân dân khi tham gia hoạt động dân vận. Cùng có chung trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng CSM, Đại tá Vũ Quang Khởi, Chính ủy Lữ đoàn 139 mong muốn địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tạo nguồn, bảo đảm tuyển người nào chắc người đó, hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới không phải bù đổi CSM.

Trong khi đó, theo Thượng tá Vũ Đại Dương, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 365, trong những năm qua, đơn vị nhận CSM từ nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng mỗi địa phương giao số lượng quân không nhiều, thậm chí là khá ít. “Với đặc thù là một đơn vị kỹ thuật, nếu mỗi địa phương chỉ giao cho sư đoàn một số lượng nhỏ chỉ tiêu, sẽ rất khó trong công tác sắp xếp, huấn luyện quân dự bị động viên của các địa phương sau này. Nên chăng cần thu bớt đầu mối giao quân cho sư đoàn để tăng số lượng chỉ tiêu của mỗi đầu mối”, Thượng tá Vũ Đại Dương đề xuất.

Là cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện, giáo dục trực tiếp CSM, nên theo Đại úy Nguyễn Đình Quang, Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 84 (Lữ đoàn 139), bên cạnh việc sàng lọc kỹ càng hơn để lựa chọn được những thanh niên có chất lượng tốt giao cho các đơn vị, địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Nghĩa vụ quân sự cho thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nói chung, thanh niên được phát lệnh gọi nhập ngũ nói riêng, nhằm giúp anh em nắm được những nội dung cơ bản của luật, làm cơ sở để xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân ngay sau khi nhập ngũ.

Nâng cao chất lượng chiến sĩ mới vừa là yêu cầu nhiệm vụ, vừa là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm cao của không chỉ quân đội mà của các cấp, các nghành và toàn xã hội. Đặc biệt, cần tiếp tục xây dựng quân đội thực sự là trường học lớn của thanh niên-nơi thanh niên mong muốn được trải nghiệm, cống hiến, phấn đấu, trưởng thành-nơi thanh niên không chỉ được đào tạo kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành người chiến sĩ quân đội thực thụ, mà còn được bồi đắp bản lĩnh, trau dồi đạo đức, tích lũy trình độ và kinh nghiệm, sẵn sàng cống hiến và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN - HOÀNG HÀ - DUY THÀNH