Trưởng thành từ trường học lớn
Quá trình khảo sát ở các đơn vị thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Quân đoàn 1, điều chúng tôi ghi nhận được là chiến sĩ mới (CSM) đều tỏ rõ niềm tin ở trường học lớn. Ai cũng phấn khởi, vui vẻ, sớm hòa nhịp với đời sống quân ngũ, hăng say học tập, luyện rèn ngay từ những tuần đầu huấn luyện.
Năm 2019, Lữ đoàn 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc) tiếp nhận CSM đến từ các địa phương: Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An với nhiều dân tộc khác nhau. Số CSM có trình độ đại học 16 đồng chí; cao đẳng 9 đồng chí và trung cấp 8 đồng chí. Báo cáo tổng hợp của lữ đoàn cho đến thời điểm hiện tại, 100% CSM yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ. Tại Tiểu đoàn 54-một trong những đơn vị được Lữ đoàn 139 giao nhiệm vụ huấn luyện CSM năm 2019, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là cảnh quan đơn vị được quan tâm đầu tư với những chậu hoa, tiểu cảnh cùng muôn sắc hoa đang đua nhau khoe sắc. Nằm xen lẫn giữa những vườn hoa, cây xanh là khu nhà ở của bộ đội được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ; phòng Hồ Chí Minh với nhiều đầu sách, báo, trang thiết bị nghe-nhìn, máy tính được kết nối internet và xa xa là các vườn tăng gia với những luống rau xanh mơn mởn.
 |
Cán bộ, chiến sĩ mới Lữ đoàn 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc) trong giờ rèn luyện thể lực. |
CSM Nguyễn Văn Ngọc, ở Tiểu đội 7, Trung đội 8, Đại đội 6, Tiểu đoàn 54, quê xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đang tranh thủ thời gian ngoài giờ để tham khảo những thông tin trên mạng tại phòng Hồ Chí Minh của đơn vị cùng các đồng đội dưới sự hướng dẫn của cán bộ đại đội. Trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Ngọc tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Bách khoa năm 2017, chuyên ngành bảo dưỡng ô tô và đã đi làm tại một gara ô tô, lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Ngọc tâm sự: “Khi vào quân ngũ em cũng lo lắng, sợ khó hòa nhịp với đời sống bộ đội vốn được biết đến với những kỷ luật “thép”. Nhưng qua hơn nửa tháng sinh hoạt, học tập, rèn luyện em nhận rõ, quyết định nhập ngũ của mình là đúng đắn. Môi trường quân đội cho em nhiều hơn em nghĩ. Em chủ động tham gia vào các phong trào do đoàn thanh niên tổ chức, các môn thể thao rèn luyện sức khỏe và đọc nhiều sách, báo ở đơn vị… Em rất tin tưởng vào môi trường quân đội”.
Để giúp CSM hòa nhập với môi trường quân ngũ, an tâm tư tưởng, xác định tốt trách nhiệm trong học tập và rèn luyện, Đại tá Vũ Quang Khởi, Chính ủy Lữ đoàn 139 cho biết: “Đơn vị quan tâm đầu tư, cải tạo lại nơi ăn ở, hệ thống thao trường, bãi tập, đồ dùng phục vụ sinh hoạt, huấn luyện cho chiến sĩ. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số 104/2014/TT-BQP, các chế độ, định mức trang bị, vật tư CTĐ, CTCT được đơn vị bảo đảm đầy đủ theo quy định và phát huy tốt hiệu quả. Các chế độ, tiêu chuẩn về tiền lương, phụ cấp, quân nhu, quân trang luôn được đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống, vật chất tinh thần cho CSM của đơn vị”. Anh Khởi cũng cho rằng: Sở dĩ ngày càng có nhiều thanh niên, trong đó nhiều thanh niên có trình độ cao nhập ngũ cũng bởi vì gia đình, người thân, bản thân họ biết và được hiểu rằng, môi trường quân ngũ là môi trường nhân văn, nuôi dưỡng cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn mỗi con người. Để rồi, dù phát triển thành cán bộ trong quân đội hay trở về địa phương làm công việc khác, họ đã có một hành trang cần thiết để đứng vững và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Trong số CSM đang được huấn luyện tại Sư đoàn 365 (Quân chủng PK-KQ) năm 2019, 16 đồng chí có bằng đại học, 31 đồng chí có bằng cao đẳng và 32 đồng chí có bằng trung cấp chuyên nghiệp, số còn lại phần lớn có trình độ trung học phổ thông. Theo Thượng tá Vũ Đại Dương, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 365 thì chất lượng CSM năm 2019 cao hơn so với năm 2018 về mọi mặt. Đây là điều kiện thuận lợi để đơn vị phấn đấu đạt kết quả cao trong huấn luyện CSM thời gian tới.
Tại Đại đội 32, Trung đoàn 228 (Sư đoàn 365) không khí tập luyện những tuần đầu ra quân huấn luyện sôi động khắp nơi với những khẩu lệnh của cán bộ, chiến sĩ được hô vang to, rõ; từng trung đội đang hăng say luyện rèn động tác đi đều, các bài tập thể dục buổi sáng… Tranh thủ lúc giải lao giữa giờ, CSM Lại Mạnh Thành, Tiểu đội 2, Trung đội 3, nhà ở phường Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ với chúng tôi về chế độ sinh hoạt tại đơn vị: “Mới vào đơn vị, chúng tôi được chỉ huy phổ biến các quy định, quy chế, chế độ, định mức được hưởng đầy đủ, rõ ràng. Hiện tại, nơi ăn ở, sinh hoạt tốt, phòng rộng, giường tầng sơn tĩnh điện, thực đơn được thay đổi thường xuyên, bản thân tôi thấy rất ngon miệng và ăn được nhiều hơn so với ở nhà”.
 |
Gia đình và đại diện địa phương lên thăm, động viên chiến sĩ mới của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) trong ngày nghỉ. |
Những tuần qua, các đơn vị trong toàn quân vào những ngày nghỉ cuối tuần đã tổ chức đón tiếp chu đáo các gia đình lên thăm đơn vị và con em mình. Cảm nhận chung, các gia đình đều rất phấn khởi khi thấy con em mình trưởng thành hơn về mọi mặt; được sống, rèn luyện ở môi trường đơn vị trong lành, nơi ăn ở khang trang, sạch sẽ, gọn gàng; cán bộ các cấp ân cần, chu đáo. Tâm sự với chúng tôi sau chuyến về đơn vị thăm con, anh Chu Ngọc Anh, ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), bố đẻ của chiến sĩ Chu Việt Hoàng, Tiểu đoàn 54, Lữ đoàn 139 nói: “Được gặp con sau thời gian đầu huấn luyện, vợ chồng tôi rất mừng và hạnh phúc khi thấy cháu trưởng thành, chững chạc hơn nhiều so với thời gian trước khi vào quân ngũ. Khi đến đơn vị, được ngắm nhìn cảnh quan môi trường, nơi sinh hoạt, ăn ở, nơi huấn luyện, tôi rất bất ngờ. Toàn đơn vị như một công viên, không khí trong lành, với nhiều vườn hoa, cây cảnh. Tôi thấy rất yên tâm về môi trường mà cháu đang công tác và tin tưởng cháu sẽ trưởng thành về mọi mặt ở trường học lớn này...”.
Hành trang vững bước tương lai
Có nhiều ý kiến nhận định rằng: Môi trường hoạt động của quân đội hiện nay là một môi trường đặc biệt, nơi để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành nhanh và vững chắc với 6 phẩm chất cơ bản: Cường tráng về sức khỏe; chững chạc về phong cách; trưởng thành về nhận thức; nghiêm chỉnh về kỷ luật; thành thạo về nghiệp vụ; giao tiếp ứng xử có văn hóa-đây là những phẩm chất không phải môi trường đào tạo, rèn luyện nào cũng có được. Như vậy, cùng với học tập, huấn luyện, rèn luyện là yếu tố cốt lõi để đào tạo người chiến sĩ thiện chiến trên chiến trường thì 6 phẩm chất trên là hành trang để các chiến sĩ vững bước vào tương lai, tiếp tục viết tiếp những hoài bão của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp. Ở một khía cạnh khác, cũng có ý kiến đúc kết ngắn gọn rằng: Môi trường quân đội đã tạo ra cho con người “tinh thần kỷ luật, hành động kỷ luật”. Với sự đoàn kết bền chặt, tình yêu thương con người trong một môi trường nhân văn, trường học quân ngũ đã tạo ra cho con người những giá trị cốt lõi này.
Trao đổi, làm rõ hơn về điều này, theo Đại tá Mai Văn Tuấn, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân đoàn 1) thì hai năm quân ngũ, người chiến sĩ được bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ý thức chính trị sâu sắc, hiểu thấu đáo trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có đủ bản lĩnh để kịp thời phát hiện và “miễn dịch” trước các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, mặt xấu của xã hội. Về rèn kỷ luật, tác phong làm việc khoa học, chiến sĩ được rèn luyện trong môi trường kỷ luật nghiêm minh, có tính kỷ luật cao; mọi vi phạm đều bị xem xét làm rõ, xử lý nghiêm minh, có lý, có tình; mọi công việc được lên kế hoạch rõ ràng, giờ nào, việc đó. Về rèn thể lực, thể chất, chiến sĩ được rèn luyện nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ, tăng cường khả năng chịu đựng trước sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như yêu cầu cao của nhiệm vụ.
Ngoài ra, chiến sĩ còn được rèn luyện tinh thần đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng; tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ mọi người, chung tay vì cộng đồng xã hội và các kỹ năng trong cuộc sống. Qua hoạt động thực tiễn, các chiến sĩ sẽ được trải nghiệm rất nhiều điều ý nghĩa, hiểu được giá trị của cuộc sống, tu dưỡng sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tại Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 365, CSM Dương Mạnh Chiến, ở Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1 khi vào đơn vị đã có năng khiếu thổi sáo. Ngay từ những ngày đầu, Chiến đã đăng ký tham gia nhóm nhạc dân tộc của đơn vị tổ chức. Dương Mạnh Chiến tâm sự: “Em cứ nghĩ, chỉ ở nhà mới được thổi sáo, thỏa niềm đam mê, nào ngờ vào quân đội, phong trào còn lớn mạnh hơn. Ở đơn vị, tham gia nhóm nhạc em được chia sẻ, học hỏi, giao lưu và thể hiện năng khiếu của mình với đồng đội”.
Thực tiễn, chúng tôi ghi nhận, nhiều chiến sĩ đã thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình ngay trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự. Đó là trường hợp chiến sĩ Phạm Hùng Cường, nhập ngũ tháng 2-2018 ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 139, quê ở xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương). Ngay từ khi vào đơn vị, với tâm nguyện được phục vụ lâu dài trong quân đội, Cường đã chuyên tâm luyện rèn, tranh thủ thời gian rảnh để ôn tập và thi đỗ vào Học viện PK-KQ. Hay trường hợp của chiến sĩ Mai Ngọc Sơn, nhập ngũ tháng 2-2017, tại Lữ đoàn Pháo binh 368, Quân đoàn 1. Chính từ cuộc sống quân ngũ, cảm nhận rõ đây là một trường học lớn để cống hiến và trưởng thành, em đã cố gắng luyện rèn và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị. Từ những tấm gương của các chiến sĩ đi trước là động lực để nhiều CSM noi theo, phấn đấu trở thành những sĩ quan trong quân đội như nguyện vọng của CSM Nguyễn Long Hải, ở Tiểu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 365. Hải cho biết: “Em mong ước sau này trở thành sĩ quan quân đội, góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Kết thúc hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều chiến sĩ trở về địa phương nhưng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm được luyện rèn trong môi trường quân đội sẽ là hành trang để các đồng chí vững bước vào tương lai. Và trong hồ sơ dự tuyển việc làm, chúng tôi tin rằng, các quân nhân có thể tự tin ghi rõ những dòng chữ: Đã qua quân ngũ-đó là những chiếc thẻ thông hành đầy kiêu hãnh trên con đường lập thân, lập nghiệp mà không phải môi trường nào cũng có được.
(còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN - HOÀNG HÀ - DUY THÀNH