Đặc biệt, những năm gần đây số thanh niên có trình độ văn hóa cao, chuyên môn sâu nhập ngũ đang ngày càng phổ biến. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thực tế đó cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, để môi trường quân đội thực sự là trường học lớn, trường đời hữu ích giúp chiến sĩ chuẩn bị hành trang vững vàng, cần thiết vun đắp tương lai.

Những năm trở lại đây mặt bằng chiến sĩ nhập ngũ vào quân đội có sự thay đổi đáng kể theo hướng tăng mạnh số có trình độ văn hóa, chuyên môn cao. Đâu là lý do ngày càng có nhiều chiến sĩ trình độ cao nhập ngũ? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời qua quá trình tìm hiểu ở một số đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) thuộc các quân chủng, binh chủng, đơn vị bộ binh.

Nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng quân đội

Gặp CSM Đỗ Mạnh Tiến vừa từ sở chỉ huy tiểu đoàn về đến đại đội, nét mặt rất rạng rỡ: “Tối qua em vừa cùng quân y đơn vị đi nhỏ thuốc và nước tỏi phòng, chống cúm cho CSM. Em thích công việc đang được làm và sẽ cố gắng phát huy kiến thức chuyên môn của mình trong môi trường quân ngũ”. Sau thời gian nhập ngũ về đơn vị, Tiến được bổ sung vào tổ quân y để chăm sóc sức khỏe bộ đội. Đây cũng là môi trường để Tiến phát huy khả năng đang có của mình. Đỗ Mạnh Tiến có trình độ được coi là “mơ ước” và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các đơn vị. Trước khi nhập ngũ năm 2019 về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), năm 2018 Đỗ Mạnh Tiến đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành răng-hàm-mặt. Chàng trai quê Nam Định có mức lương cao khi làm việc ở một phòng khám tại Hà Nội trước khi nhập ngũ. Điều rất đáng quý ở Tiến là tình nguyện nhập ngũ với ý thức: “Tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm với Tổ quốc và mong muốn được rèn luyện trong môi trường quân đội để có thêm tri thức, kỹ năng, bản lĩnh, cũng là góp phần xây dựng quân đội”. Không chỉ Đỗ Mạnh Tiến, trong số 31 CSM tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học nhập ngũ vào Trung đoàn 141 năm nay, có một số đồng chí tốt nghiệp đại học loại giỏi, đi làm với mức lương cao nhưng đã quyết định nhập ngũ. Điều này khẳng định, môi trường quân đội đang ngày càng có sức hút đối với công dân độ tuổi phục vụ nghĩa vụ quân sự.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) huấn luyện điều lệnh đội ngũ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Vũ Quang Khởi, Chính ủy Lữ đoàn 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc) cho rằng: “Việc ngày càng có nhiều chiến sĩ trình độ cao nhập ngũ là tín hiệu đáng mừng. Chiến sĩ có trình độ cao rất thuận lợi trong huấn luyện, quản lý bộ đội bởi họ có nền tảng kiến thức tốt nên tiếp thu nhanh”. Để minh chứng điều này, anh Khởi giới thiệu chúng tôi đến tìm hiểu tại các tiểu đoàn huấn luyện CSM của Lữ đoàn 139.

Trời dần về trưa, những hạt mưa phùn dày hơn cũng là lúc CSM ở Tiểu đoàn 54 (Lữ đoàn 139) trên bãi tập được nghỉ giải lao. Xuyên suốt câu chuyện với chúng tôi, ở CSM Nguyễn Quốc Việt toát lên vẻ chững chạc, nghiêm túc, hiểu biết của một công dân có trình độ. Trước khi nhập ngũ về Đại đội 11, Tiểu đoàn 54, Việt đã tốt nghiệp đại học và là một kỹ sư chuyên ngành điện tử-truyền thông. Chàng quê ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đang làm việc cho một công ty với mức lương từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Việt tâm sự: “Em sẽ cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em vào quân đội với mong muốn được rèn luyện, trưởng thành”. “Vậy từ khi vào đây Việt đã học được gì?”, tôi hỏi. Việt bộc bạch: “Tuy mới trải qua thời gian ngắn trong quân ngũ nhưng em đã học được nhiều điều. Người em học được nhiều nhất chính là Trung đội trưởng, Trung úy Nguyễn Văn Nam. Em học từ tư thế, tác phong, lời ăn, tiếng nói, đặc biệt là tính kỷ luật. Đây thực sự là những điều mà nhiều thanh niên chưa qua môi trường quân ngũ không thể có”.

Cũng như Nguyễn Quốc Việt, CSM Nguyễn Hoàng Anh ở Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã tốt nghiệp Đại học Thủy lợi. Trước khi nhập ngũ, Hoàng Anh đang công tác ở Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bắc Giang. Hoàng Anh thổ lộ: “Em mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội”. Hoàng Anh cũng không ngần ngại cho biết: "Tiểu đội trưởng của em là Trung sĩ Nguyễn Chí Thanh. Dù tiểu đội trưởng ít tuổi hơn em nhưng em học được ở đồng chí ấy nhiều điều. Điều em quý nhất là cảm nhận được tinh thần đoàn kết, ý chí tập thể rất lớn. Mọi người trong tiểu đội yêu thương, đoàn kết, luôn giúp đỡ nhau, quan tâm, chia sẻ với nhau từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống".

Trên bình diện chung có thể thấy, quan điểm nhìn nhận về môi trường quân đội không đúng đã dần bị loại bỏ. Từng có nhiều bậc cha mẹ có con cái hư hỏng, khó giáo dục có ý nghĩ “cứ đưa vào quân đội để nhờ quân đội giáo dục”. Quan điểm này hiện không còn chỗ đứng. Đây là môi trường đào tạo con người trưởng thành toàn diện về mọi mặt. Thiếu tá Phạm Quang Huy, Phó chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, cho biết: “Tôi là người từng nhiều năm làm công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ. Chúng tôi làm chắc chắn, chốt từng hồ sơ với địa phương, chọn những công dân thực sự đủ tiêu chí để nhập ngũ. Mặc dù chất lượng chính trị, trình độ văn hóa, sức khỏe của CSM từng năm có khác nhau, nhưng xu hướng chung, trình độ văn hóa của chiến sĩ ngày càng cao. Số chiến sĩ có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học nhập ngũ ngày càng tăng. Đây là điều kiện tốt để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho quân đội”.

Nơi gửi gắm niềm tin

Vượt quãng đường gần 200km, chị Nguyễn Thị Kim Chiên, ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định, lên thăm con trai đang huấn luyện CSM ở Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Trò chuyện với chúng tôi, chị Chiên rất phấn khởi: “Được thăm nơi cháu ăn, ở, sinh hoạt khang trang, đầy đủ, cảnh quan đơn vị đẹp khiến tôi yên tâm. Gia đình rất tin tưởng gửi gắm để cháu được trưởng thành trong môi trường quân ngũ. Được nhập ngũ vào quân đội là mong ước của cháu”. Con trai của chị Chiên là CSM Lê Hải Đăng, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141. Hải Đăng đã tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin (hệ dân sự)-Trường Đại học Thông tin liên lạc và đã làm việc với mức lương khá cao cho một công ty bưu chính tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng với ước mơ được trưởng thành trong quân đội, Hải Đăng đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Em muốn được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ nên em xung phong nhập ngũ. Đây cũng là mong muốn của gia đình em. Em muốn sau này được phục vụ lâu dài trong quân đội”, Lê Hải Đăng tâm sự.

Trả lời câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với rất nhiều CSM có trình độ đại học tình nguyện nhập ngũ ở các đơn vị: “Em thấy mình thiếu nhất điều gì?”, phần đa CSM khẳng định rằng: Điều còn thiếu nhất đó là tính kỷ luật. Đúng như những người đã trải qua, kỷ luật quân đội là kỷ luật “sắt” nhưng nó được xây dựng trên nền tảng bản chất của sự tự giác, nghiêm minh-một đức tính đặc biệt cần thiết với bất kỳ ai. Trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì tính kỷ luật trong công việc, kỷ luật tự giác ở mỗi con người trở thành “xương sống” của hành động. Môi trường quân đội thực sự tạo cho chiến sĩ tính kỷ luật, đây sẽ là hành trang để mỗi chiến sĩ thành công trên trường đời của mình.

Rất nhiều người cho rằng, quân đội là trường học lớn, nơi đào tạo ra những con người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn đẹp về nhân cách. Quan điểm này cũng chính là phương châm hành động của tất cả đơn vị quản lý CSM mà chúng tôi ghi nhận qua quá trình khảo sát, tìm hiểu. Phần lớn các cựu quân nhân mà tôi được tiếp xúc, điều họ trân quý nhất khi trải qua môi trường quân ngũ là tình yêu thương, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Nếu trở về đời thường, mỗi khi đồng đội cũ gặp khó khăn họ lại tìm đến để giúp đỡ. Điều ấy đúng với câu chuyện hiện tại của CSM Khá A Chư, ở Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 54 (Lữ đoàn 139) đang được cảm nhận. Chư quê ở Hang Kia, Mai Châu (Hòa Bình). Chàng trai người dân tộc Mông này lấy vợ từ năm 16 tuổi và đã có một con. Những ngày đầu nhập ngũ, Chư sống thầm lặng, nhớ nhà, tiếp thu kiến thức chậm hơn các đồng đội. Nhưng rồi nhờ hướng dẫn, chỉ bảo cặn kẽ, sự động viên, giúp đỡ tận tình của chỉ huy, đồng chí đồng đội, giờ Chư đã yên tâm công tác. Chư cho biết: “Em nhận thức chậm hơn các đồng chí khác nhưng luôn được giúp đỡ, chỉ bảo. Mọi người rất thương em”.

Môi trường quân ngũ không chỉ đào tạo những người chiến sĩ bắn súng giỏi, điều lệnh chuẩn xác, mà còn rèn luyện họ về bản lĩnh, tác phong để trở thành những cán bộ tốt, công dân gương mẫu. Điều này được Đại tá Ngô Công Trực, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 dẫn chứng từ chính thực tiễn đơn vị: “Quan điểm trong toàn sư đoàn nói chung và các đơn vị nói riêng phải tạo ra được môi trường rèn luyện tốt cho bộ đội cả về trình độ, bản lĩnh, tác phong người quân nhân gương mẫu. Không chỉ chú trọng huấn luyện, rèn luyện, các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú để bộ đội được vui chơi, thể hiện mình. Đơn cử như ngay tháng 3 này, các đơn vị trong sư đoàn tổ chức rất nhiều hoạt động, như: Hội thi, sinh nhật đồng đội, thi tiếng hát từ các miền quê… do chính các CSM thể hiện. Qua đây, vừa để rèn luyện bản lĩnh, tác phong của chiến sĩ trước tập thể, phát huy khả năng của bộ đội, mà còn giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Hiện toàn sư đoàn đã triển khai hoạt động “mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”. Thông qua đây vừa để cung cấp kiến thức nhưng cũng là phương pháp để bộ đội luôn vận động suy nghĩ, phát huy trí tuệ.  

Đồng quan điểm với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 312, Đại tá Vũ Quang Khởi, Chính ủy Lữ đoàn 139, cho rằng: Trình độ văn hóa, học vấn của CSM ngày càng cao là điều kiện thuận lợi phục vụ xây dựng quân đội. Chúng tôi luôn quán triệt, quá trình huấn luyện, rèn luyện là quá trình hình thành nhân cách của bộ đội. Bởi thế trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ luôn phải là người nêu gương, họ không chỉ là người chỉ huy, người thầy, người anh, mà còn là người bạn với chiến sĩ. Người cán bộ chính là tấm gương phản chiếu quá trình hình thành kỹ năng và đặc biệt là nhân cách chiến sĩ. 

Chính từ quan điểm, cách suy nghĩ và phương châm thực hiện môi trường quân ngũ phải là môi trường mẫu mực về mọi mặt mà giờ đây, không chỉ những người đã từng trải qua môi trường quân ngũ, mà ngay từ các học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, với sự định hướng của cha mẹ, đã luôn mong muốn được trải nghiệm dù chỉ là bước đầu trải nghiệm với các chương trình đơn giản như “học kỳ quân đội”. Đây cũng là yếu tố rất cần thiết để mọi công dân có ý thức, trách nhiệm với Tổ quốc.

(còn nữa)

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN-HOÀNG HÀ-DUY THÀNH