Phóng ghế dù là môn học không học viên nào muốn áp dụng, nhưng trong tình huống khẩn cấp, tính mạng phi công bị uy hiếp nghiêm trọng thì việc nhảy dù phải bắt buộc thực hiện để bảo đảm an toàn.

Khác với máy bay dân dụng được thiết kế để chuyên chở hành khách, để đáp ứng yêu cầu tác chiến, máy bay quân sự có cấu tạo, tính năng phức tạp hơn nhiều. Công tác huấn luyện của phi công quân sự cũng có những đòi hỏi nghiêm ngặt, mang tính đặc thù rất cao. Những khái niệm như “nhào lộn”, “cắt góc”, “bay đội hình, “bắn ném bom”, “bay không chiến”... chỉ có ở hoạt động bay của phi công quân sự. Với sự phức tạp của hoạt động bay quân sự, hiểm nguy luôn rình rập từ nhiều phía, bất trắc có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, từ lúc cất cánh, trong quá trình bay đến khi hạ cánh.

Đại tá Vũ Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân phân tích, với máy bay hàng không dân dụng, do được thiết kế tối ưu về độ an toàn, máy móc thiết bị, các phương tiện kiểm tra, phi công trong quá trình điều khiển đã được các thiết bị hỗ trợ rất nhiều. Nhưng phi công quân sự thì không thể lập trình các chuyến bay được mà phải chủ động điều khiển máy bay hoặc làm các động tác với các bài bay. Mất an toàn bay, uy hiếp an toàn bay và tai nạn bay là điều không tránh khỏi của hoạt động không quân quân sự tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Hoạt động huấn luyện ở Trường Sĩ quan Không quân cũng bị ảnh hưởng bởi quy luật chung đó.

leftcenterrightdel
Học viên phi công Trung đoàn 910 luyện tập sa bàn trước chuyến bay.

Với phi công quân sự nói chung và phi công quân sự Việt Nam nói riêng, thời bình cũng như thời chiến. Mồ hôi, thậm chí là máu xương vẫn đổ trên những thao trường giữa khoảng không. Nhưng dưới mái trường này, truyền thống hào hùng luôn là điểm tựa để lớp trẻ nối dài những chiến công mà cha anh để lại. Câu chuyện về những phi công huyền thoại luôn được lưu truyền trong mỗi giờ học trên những giảng đường mây. Phi công Phạm Ngọc Lan, ngày 3-4-1965, trong trận đầu ra quân trên đường trở về, khi đèn đỏ báo hiệu hết dầu, được phép nhảy dù nhưng đã dũng cảm hạ cánh bắt buộc trượt bụng máy bay trên bãi cát ven sông Đuống. Phi công Phạm Tuân, trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc tháng 12-1972, sau khi chặn kích trở về, sân bay bị địch ném bom làm hỏng hết đèn tín hiệu, đã lợi dụng ánh sáng của xác chiếc B-52 đang cháy, ánh chớp của tên lửa và đạn cao xạ từ các trận địa xung quanh, hạ cánh an toàn trên sân bay Nội Bài. Truyền thống ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho mỗi ban bay huấn luyện, cho mỗi lần cất cánh.

Trong câu chuyện của Thượng úy Dương Hồng Quỳnh, giảng viên Phi đội 2, Trung đoàn 910 hay mỗi phi công đã gặp, chúng tôi đều cảm nhận được một sự tiếp nối thật hào hùng. Chính nhờ sự tiếp nối đó, nhiều tình huống bất trắc đã được xử lý thành công. Cả thầy và trò nhà trường đều phấn đấu để đưa tình huống phức tạp trở về tình huống ít phức tạp, tình huống ít phức tạp trở về bình thường. Với họ, phải nhảy dù rời máy bay là một quyết định vô cùng khó khăn. Và với một chỉ huy bay, quyết định khó khăn nhất cũng là khi cầm ống nói chỉ huy học viên hay phi công nhảy dù.

Đối mặt với bất trắc trên không, ở Trường Sĩ quan Không quân đã có những câu chuyện mà sự ra đi đã trở thành bất tử. Không giảng viên và học viên phi công quân sự nào quên được chuyến bay ngày 29-4-2005 của Thượng tá Dương Văn Thanh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 và học trò là Trung úy Đào Việt Hưng trên máy bay L-39. Trong khi hai thầy trò đang thực hiện bài bay huấn luyện chiến đấu cùng biên đội ở độ cao thấp, máy bay đột ngột chết máy. Báo cáo về sở chỉ huy, Thượng tá Dương Văn Thanh nhận lệnh được phép nhảy dù. Song quan sát thấy phía trước là đảo Hòn Tre với khu du lịch và giải trí Vinpearl Land tấp nập người trong ngày nghỉ lễ, anh nhanh chóng ra lệnh cho học viên Đào Việt Hưng bung dù thoát hiểm, rồi tận dụng những giây cuối cùng điều khiển máy bay tránh đảo. Không còn đủ độ cao để thao tác kỹ thuật nhảy dù, anh đã hòa mình vào biển biếc quê hương cùng chiếc máy bay mang số hiệu 8732. Ngay sau đó, đồng đội đã tìm thấy anh dưới lòng biển, vẫn ở tư thế ngồi trong khoang điều khiển, tay cầm cần lái như lúc đang bay.

11 năm sau khi Thượng tá Dương Văn Thanh hy sinh, người con trai duy nhất của anh là Thiếu tá Dương Lê Minh cũng đã ra đi. Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, mẹ của phi công Dương Lê Minh nghẹn ngào kể với chúng tôi, ngày ba hy sinh, Minh đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Nghe tin ba mất, cả nhà suy sụp, Dương Lê Minh đã gồng mình vượt qua nỗi đau và quyết tâm kế nghiệp cha. Tốt nghiệp loại giỏi và được phong quân hàm Trung úy, Minh cũng trở thành một giảng viên bay như cha mình, tại Trung tâm Huấn luyện bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Trong chuyến bay huấn luyện sáng ngày 18-10-2016, máy bay của Thiếu tá Dương Lê Minh gặp nạn và anh không bao giờ trở về bên đồng đội, bên gia đình. Ngày phụ nữ Việt Nam năm ấy, mẹ anh, vợ anh đã không còn được anh tặng hoa như những năm trước. Nhớ và thương con đến xé lòng, song Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy cũng nhận ra và tự hào rằng, con trai mình đã hy sinh vì niềm đam mê đã được trao truyền từ chính người cha là Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Dương Văn Thanh.

Truyền thống của Trường Sĩ quan Không quân đã được dệt lên từ những cống hiến của biết bao thế hệ thầy-trò, trong đó có cả sự hy sinh cao cả của cha con Thượng tá Dương Văn Thanh. Bất trắc trên không là điều không tránh khỏi, khi bước vào nghiệp bay, dường như phi công quân sự nào cũng nhận ra thực tế ấy nhưng có một sức mạnh còn lớn lao và thiêng liêng gấp bội phần, đó là niềm đam mê bầu trời và lý tưởng mà mỗi người lính bay đều tâm niệm và gọi tên là: “Bảo vệ vùng trời Tổ quốc”.

(còn nữa)

Bài 3: Nối tiếp truyền thống "Lớp cha trước, lớp con sau"

----------

Bài và ảnh: HỒNG LINH, NGUYÊN NHI, MAI ĐÔNG