Đã cuối thu, vậy mà ở Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, mới sáng ra, trời đã nắng như đổ lửa. Dường như đã quen với khí hậu khắc nghiệt ở Cam Ranh, những người lính bay rất hài lòng bởi hôm nay được coi là một ngày đẹp trời.   

Thực hiện các bài bay trong ngày, từ khoa mục vòng kín, khoa mục khu vực kỹ thuật giản đơn, khu vực kỹ thuật phức tạp, khoa mục đồng hồ, khoa mục biên đội, từng chiếc Yak-52 lần lượt cất cánh, vút lên nền trời xanh thẳm. Đứng ở Đài chỉ huy để quan sát ban bay huấn luyện của thầy và trò trong cái nắng chói chang, chẳng mấy chốc những chiếc máy bay đã ra khỏi tầm mắt chúng tôi, chỉ còn là những chấm rất nhỏ.

Chỉ huy ban bay hôm đó là Thượng tá Nguyễn Vĩnh Chí, Chính ủy Trung đoàn 920. Chỉ nhìn nước da bánh mật sóng sánh màu nắng Cam Ranh cũng đoán định được thời gian anh gắn bó với đơn vị và hiểu được phần nào đặc thù công việc của những người thầy nơi đây, bên những chiếc máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-52, nơi mà những học viên phi công quân sự phải trải qua trước khi huấn luyện trên những loại máy bay khác như L-39 hay Mi-8.

leftcenterrightdel
Tình thầy trò trước ban bay ở Trung đoàn 920.

Thực hiện xong bài bay khoa mục không vực phức tạp, Thượng sĩ, học viên Hoàng Văn Hoan chia sẻ với chúng tôi, đối với phi công quân sự, mọi hoạt động huấn luyện trong những giờ học đều diễn ra ở những giảng đường trên mây, với những ban bay mà công tác chuẩn bị thường được bắt đầu từ 3 giờ sáng. Để những chiếc Yak-52 đủ điều kiện cho những chuyến bay huấn luyện, các thành phần từ kỹ thuật, thông tin đến hậu cần đều tận tâm tận lực. Đặc biệt, trong công tác kỹ thuật máy bay không chỉ được kiểm tra kỹ lưỡng trước mà còn cả trong và sau mỗi ban bay. Trong mỗi giờ học ở những giảng đường trên mây, những người thầy và các học viên phi công quân sự đều mang theo niềm tin và tình yêu từ mặt đất.

Có hơn 40 năm gắn bó với nhiệm vụ huấn luyện học viên phi công quân sự trên những giảng đường mây, Đại tá Vũ Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân cho biết, trong cuộc đời của một phi công, có ba chuyến bay ghi lại những dấu ấn không bao giờ quên. Đó là chuyến bay đầu tiên cùng thầy. Thứ nhất, có cảm giác thích thú, hồi hộp xen cả một chút rợn ngợp và lo âu: Liệu mình có bay được không? Thứ hai, chuyến bay đơn, khi học viên lần đầu một mình điều khiển máy bay. Đã tự tin hơn nhưng lồng ngực vẫn căng ra đón đợi với cảm giác vẫn chưa hết hồi hộp. Chuyến bay thứ ba đáng nhớ trong cuộc đời một phi công huấn luyện là chuyến đầu tiên kèm học viên bay lên trời. Chuyến đầu tiên cảm giác làm thầy, tức là ngồi đằng sau hướng dẫn học viên từ động tác nhỏ nhất, từ kiểm tra máy bay, đeo dù, tự mở máy, lăn ra đường băng, cất cánh bay vào không vực, rồi hạ cánh. Ở trên trời, giữa không gian bao la, nếu mắc phải những sai lầm, thì rất ít hoặc thậm chí không còn cơ hội sửa sai.

Trên những giảng đường mây như vậy, Đại tá Vũ Đức Quý cho hay, anh cùng lớp lớp bao thế hệ những người thầy ở Trường Sĩ quan Không quân luôn tâm niệm, nếu muốn đào tạo học viên trưởng thành thì người thầy phải tạo nhiều cơ hội cho học viên điều khiển, nếu thầy cứ giữ không cho trò điều khiển thì không thể biết được trò bay đến đâu, làm được những gì. Nhưng nếu thả tay ra mà khả năng can thiệp và khôi phục không kịp thời, chính xác thì cả hai thầy trò đều nguy hiểm. 

Tình thầy trò vốn là mối quan hệ thật thiêng liêng trong cuộc đời mỗi con người nhưng tình thầy trò trong huấn luyện bay phi công quân sự, là một mối quan hệ đặc biệt. Trên cùng khoang lái, hai phi công không chỉ là thầy-trò, còn là anh-em, cha-con và thậm chí hơn thế, là mối quan hệ sinh-tử. Chính bởi vậy, thầy và trò luôn hiểu nhau, yêu thương và tôn kính đến tận cùng.

Mỗi người thầy huấn luyện bay phi công quân sự ở Trường Sĩ quan Không quân mà chúng tôi gặp đều tâm niệm, sự nghiệp của người thầy muốn thành công, thì phải hiểu trò. Hiểu từ khả năng bay, thói quen, tâm lý, tính cách đến mỗi vui buồn thường nhật. Có hiểu trò, mới có phương pháp huấn luyện phù hợp. Trong một khóa học, cùng lúc, một người thầy thường huấn luyện cho nhiều học viên. Có học trò linh hoạt, sôi nổi; người lại trầm tư, nhút nhát. Mỗi loại tính cách như thế, phải có một phương pháp giảng dạy. Có lúc cần nhẹ nhàng, từ tốn; có lúc lại mạnh mẽ, quyết liệt. Dạy lái máy bay quân sự thì không thể rập khuôn. Tinh thần ấy đã thấm tận sâu trong trái tim và lẽ sống mỗi giảng viên bay.

Cảm động khi nói về người thầy của mình, Trung sĩ Đặng Xuân Sơn, học viên phi công Phi đội 1, Trung đoàn 920 kể lại, trong quá trình thực hành bay, mỗi lần anh hấp tấp, vội vàng, thầy sẽ tỏ thái độ ngay. Thầy tỏ thái độ bằng giọng nói, động tác. Mỗi lần như thế, “mưa dầm, thấm lâu”, anh đã được tạo dựng một tính cách thích hợp với nghề bay hơn. Đã nhiều năm gắn bó với Trung đoàn 920, Đại úy Nguyễn Văn Hậu, Chính trị viên Phi đội 1 cũng xúc động tả lại những giây phút chứng kiến tình cảm của thầy giáo Chu Văn Thanh dành cho học trò của mình trong chuyến bay đơn. Vừa chỉnh sửa từng thao tác, vừa động viên, khích lệ, người thầy ấy chẳng khác một người cha.

Hiểu nhau dưới mặt đất để cùng cất cánh lên bầu trời. Từ những chuyến bay đầu tiên ấy, tình cảm thầy trò cứ lớn dần lên trên những giảng đường mây và người thầy đã truyền cho các học viên phi công quân sự tình yêu với bầu trời đã thấm sâu trong họ như là máu thịt.

Chính nhờ sự tận tâm, tận lực như vậy, những người thầy ở Trường Sĩ quan Không quân đã viết lên bao huyền thoại giữa bầu trời. Huyền thoại ấy được bắt đầu từ những phút giây và cảm giác đầu tiên mà người thầy đem lại cho học trò. Trên những giảng đường mây, những học viên phi công quân sự đôi lúc được tận hưởng những khoảnh khắc thật đẹp, thật nên thơ. Đó là khi thực hiện nhiệm vụ giữa biển mây, được ngắm Tổ quốc ở độ cao hàng ngàn mét, vẻ đẹp của đất nước được cảm nhận sâu hơn, lãng mạn hơn; và tình yêu dành cho Tổ quốc cũng mãnh liệt hơn, sâu lắng hơn. Nhưng chính những học viên phi công quân sự cũng khẳng định, cái cảm giác ấy chỉ thoáng đến rồi qua đi rất nhanh. Trên những giảng đường mây, cả thầy và trò đều phải tập trung thực hiện yêu cầu bài bay đặt ra và phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ từ những loại mây, như mây quy công, mây tích điện…

Vì lẽ đó, với mỗi người thầy huấn luyện bay ở Trường Sĩ quan Không quân, hành trang mà họ đem lại cho học viên của mình là một quy trình thật dày công và đặc biệt. Đó không chỉ là kiến thức, kỹ năng bay. Đó còn là bản lĩnh và cao hơn nữa, là lý tưởng của những phi công quân sự, những người luôn gắn bó với bầu trời, mà giảng đường mây ở Trung đoàn 920 này là nơi khởi nguồn cho những chuyến bay, cho cả một đời bên khoang lái. Kỹ năng, bản lĩnh và lý tưởng ấy đặc biệt đã được phát huy khi họ phải đối mặt với những nguy cơ gặp phải trên không.

(còn nữa)

----------

Bài 2: Sẵn sàng xả thân vì bầu trời Tổ quốc bình yên

Bài và ảnh: HỒNG LINH, NGUYÊN NHI, MAI ĐÔNG