Thông tin về việc tham quan hẻm Tu Sản-một trong những tuyến du lịch hút khách nhất Hà Giang-bất ngờ đóng cửa, ngừng vận chuyển khách tham quan khiến nhiều người tiếc nuối, người dân địa phương thì sốt ruột vì những thiệt hại kinh tế từ việc ngừng khai thác tuyến du lịch.

Nguyên nhân khiến tuyến du lịch hút gần 8.000 khách mỗi ngày phải dừng lại là do Công ty Nho Quế 1 (đơn vị bố trí cho tàu, thuyền đi qua khu vực của nhà máy thủy điện) và Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản (bên khai thác dịch vụ) "chưa thống nhất được phương án hợp tác mới". Tin vui là điều này đã được giải quyết sau 5 ngày ngừng hoạt động, nhờ sự can thiệp của UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Kể từ ngày 21-9, dịch vụ được khôi phục hoàn toàn.

leftcenterrightdel

Du lịch Hà Giang với nhiều cảnh đẹp. Ảnh minh họa: thanhnien.vn 

Câu chuyện xung đột lợi ích trong khai thác du lịch cũng vừa xảy ra tương tự tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (tỉnh Ninh Bình), khiến khu du lịch này phải đóng cửa, tạm dừng đón khách gần hai tháng.

Nếu sự phát triển còn đi đôi với tồn tại hoặc biểu hiện của tính xung đột, cũng đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển. Khi đó, các nhóm chủ thể, các mối liên hệ rường cột trong du lịch chỉ sống độc lập, “mạnh ai nấy làm”... sẽ khó hoạt động, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh; không đánh thức, nhìn nhận đúng vai trò khi khai thác tài nguyên cũng như gây tình trạng lãng phí, thậm chí là phá hủy tài nguyên.

Thích thì hoạt động, không thích thì dừng, khách đến mặc kệ khách... như cách làm của những đơn vị nêu trên là lối tư duy làm du lịch manh mún, thái độ thiếu chuyên nghiệp. Nếu đánh mất niềm tin và thiếu vắng du khách thì hậu quả không thể lường trước được. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc phát triển du lịch.

Do đó, các bên liên quan cần cùng nhau thống nhất quy định và cơ chế quản lý hoạt động du lịch, bảo đảm quyền lợi các bên và phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với địa phương có tiềm năng du lịch, cần có sự quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, tránh tình trạng tranh chấp giữa các đơn vị kinh doanh du lịch.

Để hạn chế xung đột lợi ích giữa các nhóm, nhà quản lý nên tập trung vào những hoạt động khiến các nhóm nhìn nhận được giá trị của nhau. Từ đó, họ cùng thảo luận, hiểu rõ mong muốn của bên kia và đưa ra một thỏa hiệp cùng có lợi. Các địa phương cũng cần thông tin minh bạch, rõ ràng; đồng thời phải xác định chất lượng cuộc sống của cộng đồng chính là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu, đặt lợi ích của cộng đồng, của người dân lên trên hết.

Xác định, dự báo tính xung đột tồn tại ngay trong hoạt động là cách giúp ngành du lịch chỉ ra bệnh, dùng đúng thuốc, đúng liều để điều trị. Đừng để hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách, bạn bè quốc tế xấu đi chỉ vì tư duy "ăn xổi" của một nhóm lợi ích.

THU HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.