Thật vui khi xe đạp như người bạn lâu năm thuở hàn vi nay trở lại trong xã hội hiện đại với một diện mạo mới, ý nghĩa mới. 

Tuy nhiên mới đây, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều người chê trách bởi sự thiếu ý thức của nhóm khách thuê xe đạp. Những chiếc xe đó thuộc dự án thí điểm trạm đạp xe công cộng ở TP Hồ Chí Minh. Những vị khách này cố tình dựng xe ở khu vực cấm đỗ xe tại công viên bến Bạch Đằng. Tệ hơn, sau một hồi tranh cãi, nhân viên bảo vệ lần lượt ném 3 xe đạp công cộng dựng trên vỉa hè công viên xuống đường như ném đồ phế liệu. Hành động thiếu văn minh của hai bên ngay giữa trung tâm thành phố gây nên hình ảnh phản cảm về ứng xử văn hóa nơi công cộng. Đó là chưa kể ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản công của cả hai bên đều kém cỏi.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, nhiều thành phố du lịch như Nha Trang, Hội An, Đà Lạt hay Thủ đô Hà Nội, trào lưu đi xe đạp ngày càng phổ biến. Vào những buổi sáng sớm, ở các tuyến phố trung tâm, dòng người chạy xe đạp khá đông. Khởi đầu từ nhu cầu thể dục thể thao, dạo chơi, đến nay, nhiều người đã chọn xe đạp làm phương tiện đi làm. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người đi xe đạp lại dàn hàng, “rồng rắn” cản trở các phương tiện khác, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi vào đường một chiều... gây ra nhiều phiền toái cho người khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và nếp sống văn minh đô thị.

Xe đạp là phương tiện thô sơ nhưng mang lại nhiều tiện ích, đang được khuyến khích vì đi xe đạp góp phần bảo vệ môi trường, mang lại sức khỏe cho người sử dụng. Nhưng đi xe đạp sao cho đúng, cho văn minh không phải ai cũng làm được. Đáng buồn, những nơi xu hướng đạp xe nở rộ lại là những thành phố lớn, thành phố du lịch, có đông du khách quốc tế. Cách sử dụng, ứng xử kiểu “thô” ấy sẽ tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm của du khách nước ngoài về chúng ta. Việc ứng xử văn hóa nơi công cộng luôn được xem là một hành vi văn minh, biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Đó cũng là “thước đo” sự phát triển của mỗi quốc gia, quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước ra thế giới.

Sống chậm, di chuyển xanh và an toàn đang là một chỉ số mới, đo lường sự phát triển của các thành phố đương đại. Để xe đạp không trở nên “xấu xí”, gây phản cảm như thời gian vừa qua, đã đến lúc nên đưa giao thông xe đạp vào trong các bản quy hoạch đô thị hiện đại. Ở đó, xe đạp được di chuyển an toàn, tránh những lộn xộn. Những kế hoạch cân đối cung-cầu về bãi gửi xe, thuê xe đạp không chỉ thuận tiện cho người dân sử dụng mà còn tránh tình trạng phát sinh những “bãi rác xe đạp” như từng xảy ra ở một số quốc gia. Sự chuẩn bị hạ tầng này là cần thiết cho việc quay trở lại của xe đạp, mang đến môi trường sống xanh, vì ích lợi, sức khỏe con người. Cùng với đó là cần có chế tài mạnh mẽ xử phạt những hành vi vi phạm của người điều khiển xe đạp như mọi phương tiện giao thông khác. Bên cạnh câu chuyện quy hoạch, việc tuyên truyền và tự nâng cao ý thức của mỗi người dân đóng vai trò quyết định trong việc làm đẹp thêm môi trường văn hóa nơi mình sinh sống, học tập. Trong không gian giao tiếp ngày càng mở rộng ấy, văn hóa ứng xử của mỗi người dân cần được nâng lên một tầm cao mới. 

THU HÀ