Gần đây xuất hiện nhiều clip ghi lại các tình huống đánh người, phá hoại tài sản khi va chạm giao thông, rồi người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế... Những người có hành vi côn đồ đều bị cộng đồng phê phán, bị cơ quan chức năng xử lý, thậm chí xử lý hình sự.
Tại sao ngày càng xuất hiện kiểu người hơi tí là sửng cồ, chỉ từ va chạm nhỏ sẵn sàng hùng hổ, to tiếng, rồi lao vào ăn thua đủ bằng vũ lực? Có người giải thích nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại khiến con người chịu nhiều áp lực, bị cạnh tranh khốc liệt, ức chế về tâm lý nên dễ bị kích động, hành xử thô bạo.
Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là một phần nguyên nhân. Thái độ lúc nào cũng chực sửng cồ là kết quả của sự thiếu giáo dục từ gia đình, nhà trường về văn hóa ứng xử. Thậm chí, có những người làm cha, làm mẹ khi thấy con mình hành xử thô bạo với bạn học cùng lớp lại tỏ ra thích thú vì nghĩ rằng "nó ra đời không sợ bị bắt nạt".
 |
Hình ảnh nam thanh niên hành hung nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định ngày 4-5-2025. Ảnh: Cắt từ video |
Thực tế, sự thô bạo bằng hành động hay lời nói đều gây hậu quả khôn lường. Nó không chỉ làm người khác tổn thương tinh thần, nhất là với trẻ em hoặc người yếu thế, mà nguy hiểm hơn có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, gây chia rẽ khối đoàn kết, làm đổ vỡ các cơ hội hợp tác, đánh mất niềm tin với người xung quanh. Nếu để lối hành xử thô bạo lan rộng sẽ gây ra thất bại trên diện rộng của một lớp người.
Đừng lầm tưởng sửng cồ là cá tính. Đừng nghĩ cứ bắt nạt được người khác là hay. Sự thô bạo bằng lời nói hay hành động cũng đều là biểu hiện tiêu cực cần bị phê phán và điều chỉnh kịp thời.
Cần phải dạy trẻ em cách giữ bình tĩnh, biết kiềm chế cảm xúc, biết nhường nhịn, tỉnh táo phân tích được đúng, sai trong các tình huống. Làm được như vậy mới tránh được hậu quả tai hại vì một phút nóng giận mất khôn.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Chuyện 6 sinh viên được Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đã nhường chỗ cho các cựu chiến binh xem diễu binh, diễu hành trong Đại lễ ngày 30-4-2025 đang trở thành chủ đề “nóng” trên không gian mạng. Người cho rằng, làm tốt thì phải khen. Người thì bảo, chỉ một hành vi ứng xử mà bất cứ ai có ý thức văn hóa cũng làm, sao phải tặng bằng khen? Làm quá, nó giảm giá trị của hình thức khen thưởng đi, nó biến cái bình thường thành... quý hiếm!
Ông cha ta có câu: “Tấc đất, tấc vàng”, vậy mà ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thì những ‘‘tấc vàng” ấy lại được ông Bùi Hữu Tuấn không so tính thiệt hơn, tự nguyện hiến hơn 600m2 đất xây đền tưởng niệm 93 liệt sĩ (thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) hy sinh ngày 26-5-1972 tại thôn Câu Nhi, xã Hải Chánh.