Nhận thông tin về việc người lao động (NLĐ) sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ), công nhân, NLĐ ở công ty anh chị đang làm việc ai cũng phấn khởi. Anh tính, với mức hỗ trợ cho NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng (tối đa 3 tháng) thì hai vợ chồng sẽ được nhận khoảng 6 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình giải quyết được nhiều việc trước mắt và khấp khởi chờ đợi. Vậy mà, từ đó đến nay đã gần 4 tháng nhưng họ vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ảnh: LDO 

Thực tế trên cũng là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương trong thời gian qua, nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có khoảng 3,4 triệu NLĐ sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà; thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15-8-2022. Tính đến ngày 25-7, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã xác nhận gần 2,7 triệu hồ sơ để NLĐ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân lại không được như mong đợi của nhiều người. Thống kê của ngành lao động-thương binh và xã hội cho thấy, đến ngày 19-7, số tiền được giải ngân để hỗ trợ NLĐ chưa đạt 10%.

Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt góp phần quan trọng để các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được phục hồi. Hậu quả do dịch Covid-19 để lại còn rất nặng nề, thì trước những biến động mới, NLĐ còn phải chịu thêm những chi phí sinh hoạt khác như: Tiền xăng tăng, giá cả nhiều mặt hàng tăng... Đối với nhiều người, sau thời gian dài không có thu nhập, nguồn tài chính tích lũy dần cạn kiệt thì số tiền hỗ trợ, dù không nhiều nhưng cũng rất đáng quý.

Có nhiều câu trả lời để lý giải cho việc chậm giải ngân. Phần lớn các địa phương đều viện lý do là chờ ngân sách Trung ương. Lại có nơi, vì chưa nghiên cứu, quán triệt kỹ các quy định nên chỉ tiếp nhận hồ sơ của NLĐ đang thuê nhà ở trên địa bàn do địa phương quản lý, khiến nhiều NLĐ bị “lọt sổ”. Một số địa phương, DN vì sợ chi sai, chi nhầm nên “đẻ” thêm hàng loạt thủ tục hành chính khiến NLĐ lúng túng, khó khăn trong việc kê khai hồ sơ đề nghị... 

Việc giải ngân chậm, dù là nguyên nhân này hay nguyên nhân khác thì đối tượng chịu tác động trực tiếp vẫn là NLĐ và sau là tới DN. Khi NLĐ vừa trở lại làm việc, là lúc họ cần tiền hỗ trợ nhất để trang trải cuộc sống thì không có. Thêm nữa, họ lại phải chờ đợi trong thời gian dài và không biết chờ bao lâu khiến nhiều người từ vui mừng chuyển sang lo lắng, chán nản. Trong khi các DN vừa phải tìm cách xoay xở để khôi phục hoạt động trong bối cảnh chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao, vừa phải tìm nguồn để tăng lương cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng, nay lại đối mặt với sức ép tâm lý vì lo ngại NLĐ đình công, bỏ việc để đòi tiền hỗ trợ... Khi chính sách vừa được ban hành, cộng đồng DN và NLĐ rất hoan nghênh, trông đợi, nhưng quá trình thực thi nảy sinh bất cập và không được tháo gỡ kịp thời nên nhiều người không khỏi nghi ngại về hiệu quả của chính sách.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành rất đúng thời điểm, kịp thời và có nhiều giá trị, ý nghĩa thiết thực với mục tiêu đưa tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ, để NLĐ yên tâm làm việc, qua đó khôi phục sản xuất sau đại dịch. Nhưng rõ ràng, việc chính sách chậm đi vào cuộc sống, tiền hỗ trợ chậm đến tay NLĐ khiến chính sách ít nhiều mất đi ý nghĩa, giá trị và hiệu quả trên thực tế. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên sốt ruột, dưới bình chân” trong thực thi chính sách vẫn tồn tại ở nơi này, nơi kia, đặt ra nhiều điều đáng suy ngẫm... Nhìn từ chất lượng, hiệu quả thực thi chính sách, thấy rằng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ ở cơ sở vẫn chưa thật sự mạnh mẽ và được như kỳ vọng.

 MINH MẠNH