Sự kiện này hứa hẹn đẩy mạnh quan hệ của Việt Nam với các đối tác và cũng là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các xu thế, cơ hội để "bước ra biển lớn", đem lại những lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp và đất nước.
APEC là một thị trường rộng lớn và tiềm năng, trở thành trung tâm đầu tư, khoa học-công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.
Với cộng đồng doanh nghiệp APEC, lực lượng này còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, thúc đẩy kinh tế khu vực và toàn cầu, mang lại lợi ích cho toàn thể người dân thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư... Chính vì “nguồn lợi” và những tiềm năng, cơ hội to lớn từ APEC mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nên APEC 2017 đã hội tụ hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu từ các nền kinh tế thành viên đến Việt Nam, trong đó có hơn 60 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.
Từ khi tham gia APEC, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường từ APEC mang lại trong quá trình hợp tác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên APEC không ngừng được tăng lên. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt khoảng 98,37 tỷ USD thì năm 2015 đã tăng lên 106,12 tỷ USD, năm 2016 đã tăng lên 119,69 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặt hái được nhiều lợi ích từ mở rộng quan hệ giao thương, kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là tận dụng được khoa học, công nghệ, kinh nghiệm của các nền kinh tế lớn để phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.
"Bước ra biển lớn” và cạnh tranh được hay không, là bài toán đối với từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu mỗi doanh nghiệp Việt Nam đều biết nắm bắt thời cơ, xác định cho mình được mục tiêu, hướng đi, cách thức vận hành đúng xu thế, giải pháp quản trị khoa học, thì chắc chắn sẽ phát triển khi tham gia vào kinh tế toàn cầu, sẽ có cơ hội được khắc ghi trên trường quốc tế. Ngược lại, nếu cứ mãi loanh quanh “ao nhà”, việc bị thôn tính là điều có thể nhìn thấy trước.
APEC chính là cầu nối, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, chỉ với sự cố gắng của tự thân doanh nghiệp thì khó có thể đứng vững trước xu thế toàn cầu hóa; cái chính là sự trợ sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức trung gian và doanh nghiệp liên quan như ngân hàng, logistics... khi thực hiện thương mại quốc tế. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có cải cách thủ tục hành chính, bổ sung và sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành theo thông lệ quốc tế để doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong thực hiện các giao dịch, giúp doanh nghiệp phát triển, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế thế giới.
HOÀNG GIA MINH