QĐND - Ngày 22-12, Bộ Công Thương đã có văn bản điều hành giá xăng, dầu với những yêu cầu giảm giá và trích quỹ bình ổn xăng, dầu cao nhất từ đầu năm 2014 đến nay. Đây cũng là lần giảm giá bán lẻ xăng, dầu lần thứ 13 liên tiếp trong 5 tháng vừa qua.

Việc giảm giá bán lẻ xăng, dầu thực sự có tác động mạnh đến thị trường hàng hóa trong nước. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, thì giá xăng, dầu giảm 10% sẽ có tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung cả nước, ngay cả trong dịp cao điểm cuối năm. Đây là những tín hiệu rất vui, không chỉ góp phần tăng sức mua của người dân, mà còn tạo ra cơ hội thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Ảnh minh họa: TTXVN

Việc giảm giá bán lẻ xăng, dầu mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, điều đó là rất rõ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít điều đáng bàn, đáng nói. Khi giá xăng, dầu tăng, thì ngay lập tức giá các mặt hàng khác, nhất là những mặt hàng phục vụ tiêu dùng sinh hoạt hằng ngày, giá cước vận tải đều đồng loạt tăng; thậm chí tăng rất nhanh. Lý giải cho việc tăng giá, các doanh nghiệp, người buôn bán đều khẳng định: Do giá xăng, dầu tăng. Vậy mà, khi giá bán lẻ xăng, dầu giảm, thậm chí liên tục giảm thì các doanh nghiệp, những người buôn bán lại viện rất nhiều lý do để giữ nguyên giá bán, giá cước vận chuyển, hoặc nếu có giảm thì cũng chỉ là sự điều chỉnh đôi chút. Đối với các doanh nghiệp vận tải, hầu hết đều cho rằng: Doanh nghiệp cần thời gian để tiến hành một số giải pháp kỹ thuật, ví như căn chỉnh lại đồng hồ tính cước; hoặc ban hành văn bản thông báo giá cước mới đối với khách hàng… Mọi lý do mà các doanh nghiệp đưa ra, biện minh cho việc chưa điều chỉnh giá cước, giá những mặt hàng nghe thật có lý và đều mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà kinh doanh. Hậu quả của việc chậm trễ này cuối cùng đều đổ lên vai người tiêu dùng, nhất là những người lao động có thu nhập chưa cao trong xã hội.

Kinh tế thị trường, giá cả phải do thị trường điều tiết. Việc kinh doanh, buôn bán suy đến cùng từng doanh nghiệp đều phải tính đến lợi nhuận. Đó là điều bình thường. Tuy nhiên, dù xét ở khía cạnh nào thì xã hội cũng không thể chấp nhận được tình trạng: Tăng giá thì nhanh mà giảm lại quá chậm. Tình trạng tăng nhanh, giảm chậm không những chưa đúng với quy luật của kinh tế thị trường, mà điều quan trọng hơn chính là biểu hiện của tư tưởng đề cao lợi ích cục bộ, coi thường người tiêu dùng, không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Đành rằng, mỗi lần tăng hay giảm, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh cũng đều phải tiến hành một số khâu nhất định, nhưng không thể cứ vin vào những chuyện đó để giữ giá hoặc giảm giá chậm gây khó khăn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.

LÊ LONG KHÁNH