QĐND - Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu có lần “thú nhận” rằng, một trong nhiều lý do khiến anh quyết định chọn dạy học ở Chicago, một trong những thành phố lạnh nhất nước Mỹ, ấy là vì xung quanh Đại học Chicago có nhiều tiệm sách! Không rõ những tiệm sách ấy có liên quan gì đến giải thưởng Fields (được coi như giải Nobel trong toán học), một giải thưởng lớn quá sức tưởng tượng mà một người Việt Nam có thể giành được trong sự nghiệp hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu là một người mê sách, ham đọc sách. Không chỉ cùng nhà văn Phan Việt tổ chức tủ sách “Cánh cửa mở rộng” nhằm giới thiệu những cuốn sách tinh hoa của thế giới đến với người đọc Việt Nam, bản thân Giáo sư Ngô Bảo Châu còn cộng tác với một nhà báo để viết sách, “Ai và Ki ở xứ sở những con số tàng hình”, hy vọng truyền niềm đam mê toán học đến với các bạn trẻ...

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Những người như Giáo sư Ngô Bảo Châu có phải là cá biệt hay không? Hay nói một cách khác, câu hỏi này nằm trong một câu hỏi khác, rộng hơn: Người Việt Nam hiện nay có ham đọc sách không?

Không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này.

Nếu nhìn vào cái cảnh tượng thường thấy, khi các bạn trẻ (không chỉ ở những đô thị lớn) ngày ngày cứ cắm mặt vào cái màn hình sáng xanh của những chiếc điện thoại thông minh, với những câu chít chát cụt ngủn, những biểu tượng ngộ nghĩnh hay các trò chơi điện tử, câu trả lời có vẻ nghiêng về khía cạnh bi quan. Thậm chí, người ta đã vẽ ra những viễn tưởng u ám về một thế hệ luôn “nhìn xuống” màn hình, không đọc sách hoặc nếu có đọc thì cũng chỉ là những câu chuyện tầm phào “buôn dưa lê” thông qua bàn phím.

Nhưng nếu như ở Hà Nội, chịu khó quá bộ đi ra khu phố Đinh Lễ, nhất là vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, thì câu trả lời về thói quen đọc sách của người Việt là rất lạc quan. Khách hàng ở con phố này phần lớn là những người trẻ tuổi, kìn kìn kéo đến mỗi khi có những cuốn sách mới ra lò. Mà sách mới ra thì hầu như ngày nào cũng có!

Ở Thành phố Hồ Chí Minh lại là một cảnh tượng khác. Thành phố này trước đây có những phố sách cũ danh bất hư truyền như ở đường Đặng Thị Nhu, nay mất đi thì được thay thế bằng hàng loạt phố sách cũ khác như Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thị Minh Khai... Có những hiệu sách cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, với những cuốn sách cũ giá đắt "kinh người" nhưng không bao giờ vắng khách! Sau 40 năm kể từ 30-4-1975, với đà đô thị hóa gấp gáp, với sức tăng trưởng liên tục về kinh tế, dường như những hiệu sách cũ đã làm nên một nét chấm phá vô cùng dễ thương cho thành phố mang tên Bác, là nơi để người ta có thể sống chậm và ngẫm nghĩ!

Và nếu có điều kiện tham dự Hội chợ sách Thành phố Hồ Chí Minh cứ hai năm tổ chức một lần, chứng kiến sức tiêu thụ khủng khiếp một lượng khổng lồ các loại sách cũ, mới của người đọc, thì mới thấy rằng sức đọc của người Việt, đặc biệt là của những người trẻ tuổi, vẫn còn dồi dào lắm.

Hay như một diễn đàn trên mạng của những người yêu sách cũ, sachxua.net, đã tồn tại hơn 5 năm nay, với hơn 8000 thành viên, hơn 586.000 bài viết tính đến giữa tháng 4-2015, cho thấy vẫn có một dòng chảy ngầm hết sức mạnh mẽ của người đọc Việt Nam.

Sách xưa, nhưng là chuyện của hôm nay!

Không thể phủ nhận một điều là sự gia tăng mạnh mẽ của những phát triển công nghệ mới đã tạo điều kiện cho người đọc Việt Nam nhiều lựa chọn hơn trong hưởng thụ văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Thế nhưng kể từ khi ra đời cách nay nhiều thế kỷ, bản thân một cuốn sách dường như hoàn toàn vẫn không có thay đổi gì mấy và cách đọc của con người cũng vậy. Dù sách xưa hay sách nay thì khi cầm một cuốn sách trên tay, người yêu sách vẫn có cái rưng rưng của cảm xúc được mở ra những điều bí ẩn, hấp dẫn của cuộc sống, của số phận con người.

Mỗi người chỉ sống một cuộc đời, nhưng vẫn nhà toán học Ngô Bảo Châu có lần nói, sách giúp cho anh sống nhiều cuộc đời.    

Điều này đúng với những ai vẫn còn yêu sách, cả xưa và nay.

YÊN BA