Vào thập niên 1990, Chính phủ Singapore nhận ra rằng, để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, họ không thể giữ nguyên mô hình hành chính cứng nhắc, thiên về thâm niên và ít đổi mới, mà phải chuyển sang mô hình quản lý dựa trên năng lực và vị trí công việc, đặt ra yêu cầu cao về tính linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo. Singapore thành lập trường hành chính công vụ với sứ mệnh đào tạo lại toàn bộ cán bộ, công chức theo các tiêu chuẩn công việc mới, tập trung vào năng lực lãnh đạo, ra quyết định; tư duy đổi mới, phục vụ công dân và kỹ năng sử dụng công nghệ số, quản trị dữ liệu. Kết quả, Singapore có một nền hành chính công tinh gọn, chuyên nghiệp và được xếp hạng cao nhất ở châu Á về tính hiệu quả.

Ở Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, một trong những vấn đề nổi bật là đội ngũ cán bộ công vụ quá đông, năng lực không đồng đều và tư duy hành chính còn rập khuôn, trì trệ. Chính phủ Hàn Quốc chuyển mạnh sang hệ thống quản lý theo năng lực và vị trí việc làm. Họ thiết lập các chương trình đánh giá năng lực định kỳ, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại nhằm xóa bỏ tư duy làm việc an phận, chỉ chờ lên chức theo thâm niên; ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng số vào công vụ...

Như vậy, vấn đề đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo vị trí việc làm đã được các nước trên thế giới thực hiện có kết quả. Việt Nam đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, là điều kiện khách quan đặt ra cho tổ chức, cá nhân những yêu cầu mới, khó khăn hơn nhưng đầy hy vọng về một nền hành chính hiện đại, mạnh mẽ, thực sự của dân, vì dân.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.