Thực tiễn đã khẳng định vai trò dẫn đường, truyền bá, động viên các nhóm xã hội khác của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ rất quan trọng. Đội ngũ trí thức nước nhà hiện nay có vai trò quyết định trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong số gần 100 triệu dân, chúng ta không thiếu nhân tài. Vấn đề là phải biết khơi dậy, phát huy trí tuệ Việt, nhất là trí tuệ người Việt trẻ tiếp tục tỏa sáng không chỉ trong nước.
Vừa rồi, chúng tôi có ngồi trò chuyện với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ông kể: “Khi công tác ở Bộ Ngoại giao, tôi có phát biểu trong một cuộc họp với sự hiện diện của các cán bộ cấp cao, rằng: “Tôi quan sát nhiều đoàn của ta sang nước ngoài, thấy thể hiện văn hóa kém lắm. Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng đi đâu cũng chen lấn, hiếm khi chịu xếp hàng, nói to, cười lớn, vứt rác bừa bãi thì trí tuệ Việt ở đâu, tự hào dân tộc ở đâu? Chúng ta rất ngại nói về mặt yếu vì thói quen văn hóa “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Tôi cho rằng chúng ta phải lên án cái xấu thì mới có cái đẹp được”. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, được thừa nhận là trí thức thật vinh dự nhưng để tốt hơn, thiết thực hơn thì anh phải có được ý tưởng, trí tuệ độc đáo trong công việc, phải là tài năng, truyền được cảm hứng, lan tỏa được hiệu ứng tích cực trong xã hội.
 |
Ảnh minh họa / Baochinhphu.vn |
Câu chuyện của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan càng khiến chúng tôi thêm suy nghĩ. Lại nhớ đến Siêu đại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm đang đảm nhận vai trò quản lý Học viện Cờ vua SPICE kiêm Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển cờ vua Đại học Webster (là đội tuyển cờ vua danh tiếng của Mỹ và thế giới). Trên toàn cầu, chỉ có 40 kỳ thủ đạt đến danh hiệu cao nhất là Siêu đại kiện tướng quốc tế; Lê Quang Liêm là kỳ thủ châu Á thứ tư và duy nhất của Đông Nam Á nằm trong danh sách này. Thế nên dễ hiểu khi có không ít quốc gia trải thảm đỏ mời Lê Quang Liêm gia nhập quốc tịch. Nhưng lần nào kỳ thủ số 1 Việt Nam cũng từ chối, bởi với anh, được thi đấu cho Tổ quốc là điều vô cùng thiêng liêng, tự hào. Những năm qua, Lê Quang Liêm tự làm mới mình, chủ động tạo ra “xung đột” trên bàn cờ để giải quyết thế trận thay vì ưu tiên phòng ngự như trước. Nhờ đó, trình độ của anh ngày một lên và đang xếp hạng 20 thế giới. Khi "trình" của Lê Quang Liêm càng phát triển thì cờ vua nước nhà càng được hưởng lợi. Các bài giảng của Lê Quang Liêm đã giúp cho sức cờ của các kỳ thủ trong đội tuyển cờ vua Việt Nam cải thiện đáng kể.
Trên thực tế, trong các lĩnh vực khác như sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, nhiều người khi đã thành danh thì rất ngại làm mới mình. Năm này qua năm khác, không ít nghệ sĩ thường chỉ biểu diễn một, hai “bài tủ”. Rồi nhiều người chỉ thích tỏa sáng cá nhân mà không giỏi làm việc nhóm, làm việc tập thể, ấy là bởi cái tôi cá nhân quá lớn; đến khi thành danh thì lại dễ tự mãn, bởi đi đâu cũng được tung hô.
Đằng sau thành công của một ngôi sao thể thao có sự đóng góp của cả ê kíp huấn luyện, gia đình, sự chung tay của nhà tài trợ, sự quan tâm, hỗ trợ của ngành thể thao. Khi một xạ thủ lên nhận giải quốc tế, phía sau tấm huy chương là công sức của đồng đội, là trí tuệ của tập thể, cũng như sự hy sinh thầm lặng của gia đình, người thân.
Nhận thức được điều này nên nhiều nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên... chân chính vẫn một lòng nghiên cứu, học tập, khổ luyện, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước.
KHOA MINH