Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều nước đã phải trả giá rất đắt cho việc quy hoạch rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn dài hạn, kém bền vững, không hiệu quả, gây lãng phí về cơ hội, tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư và nguồn nhân lực.

Tại nước ta, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch cũng đã được chú trọng, các cơ quan làm quy hoạch, viện nghiên cứu quy hoạch có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, do quy hoạch của chúng ta thiếu tính dự báo dài hạn nên đã thường xuyên phải điều chỉnh. Có quy hoạch bị điều chỉnh nhiều đến mức khó có thể gọi đó là quy hoạch. Ví dụ như quy hoạch ngành xi măng, ngành thép liên tục bị thay đổi, vậy mà chúng ta vẫn nhiều lần “bội thực” thép, xi măng... Mặt khác, nhiều quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 
Nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực như “quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo”, “quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng”, “quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương”, “quy hoạch sản xuất thuốc lá và mạng lưới buôn bán thuốc lá”... Hơn nữa, đã có quy hoạch sản phẩm bị sử dụng là bằng chứng bất lợi cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu.

Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là do tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn nhiều bất cập. Việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch, nhưng không thống nhất, thiếu đồng bộ và còn nhiều chống chéo, mâu thuẫn nhau.

Để chấn chỉnh công tác quy hoạch và tiến tới xóa bỏ tình trạng “quy hoạch thay xoành xoạch”, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước xây dựng dự án Luật Quy hoạch. Dự án này đã được Chính phủ thông qua, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới. Nhân dân đang kỳ vọng Luật Quy hoạch mới này sẽ khắc phục được những hạn chế, yếu kém, tùy tiện trong công tác quy hoạch.

Tuy nhiên, để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển, dự án luật cần phải khẳng định "những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch", trong đó có nguyên tắc dân chủ, khách quan, bảo đảm tính kế thừa, tính dự báo, tính liên kết đồng bộ giữa kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh và môi trường, giữa ngành và địa phương; bảo đảm tính ổn định, lâu dài của quy hoạch. Quy hoạch bắt buộc phải gắn với chiến lược phát triển của đất nước và phù hợp với Nghị quyết của Đảng.

ĐỖ PHÚ THỌ