Đây là bước đi hợp lý, kịp thời, nhằm tạo điều kiện thu hút trẻ đến trường, bảo đảm tốt công tác giáo dục mầm non ở những vùng còn nhiều thiệt thòi. 

Theo quy định mới, trẻ em nhà trẻ bán trú tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang, ven biển... sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa; mỗi trẻ được cấp 360.000 đồng/tháng, tối đa 9 tháng/năm học. Đây là điểm mới quan trọng, bởi trước đó chỉ trẻ mẫu giáo mới được hưởng chính sách tương tự, mặc dù nhu cầu gửi trẻ và tổ chức bán trú ngày càng tăng ở nhiều địa phương. Ngoài ra, trường có nhóm trẻ này cũng được hỗ trợ kinh phí để tổ chức chăm sóc trẻ vào buổi trưa. 

Bữa cơm bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum). Ảnh: TTXVN 

Nhưng điều đáng bàn hơn là làm sao để chính sách phải đi vào thực tiễn. Thực tế tại nhiều vùng cao, vùng sâu, trường mầm non vẫn đang thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thậm chí cả những thứ thiết yếu nhất. Đội ngũ nuôi dạy trẻ dưới 3 tuổi vừa mỏng, vừa chưa được đào tạo bài bản. Việc nhận hỗ trợ nhưng không thể tổ chức bán trú đầy đủ sẽ khiến chính sách gặp khó ngay từ đầu. Mức hỗ trợ 360.000 đồng mỗi tháng sẽ khó phát huy tác dụng nếu trẻ vẫn phải ăn ở nhà vì trường chưa đủ điều kiện tiếp nhận.

Hỗ trợ tài chính giúp tăng tính linh hoạt, nhưng hệ thống cũng cần đủ năng lực để tiếp nhận, vận hành hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải có hướng dẫn sát thực tế; tạo cơ chế cho địa phương chủ động trong bố trí nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu... Chỉ khi ấy, nghị định mới thực sự phát huy tác dụng, trở thành bữa cơm có thật trên tay trẻ em vùng sâu, vùng xa.

HOÀNG VIỆT

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.