Phân loại chất thải rắn sinh hoạt không phải là vấn đề mới đặt ra. Những năm qua, một số địa phương đã xây dựng mô hình, tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình xử lý rác. Điển hình như năm 2006, Hà Nội triển khai Dự án thí điểm phân loại rác 3R do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; năm 2017, TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình mỗi quận, huyện tổ chức tại ít nhất một phường, xã và phấn đấu nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố vào năm 2020... Để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từng bước đi vào nền nếp, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 đã “luật hóa” khi quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm hoặc chất thải rắn sinh hoạt khác.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các mô hình, dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt đều rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” do tổ chức theo phong trào, chưa đi vào thực chất. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đối với phần lớn các hộ gia đình ở cả thành thị lẫn nông thôn vẫn là điều xa lạ. Nhiều gia đình vẫn chứa rác lẫn lộn trong các thùng nhựa, thùng xốp hoặc đựng rác trong những túi ni lông đủ kiểu loại rồi để ra đường chờ thu gom, trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng còn rất hạn chế... Điều này cho thấy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ mỗi hộ gia đình là vấn đề không đơn giản, cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ chứ không thể chỉ trông chờ vào việc xử phạt hành chính.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, trung bình mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 64.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt và ngày càng gia tăng qua mỗi năm. Thế nhưng, do chưa được phân loại nên chỉ có khoảng 15% lượng chất thải sau thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Một lượng khổng lồ chất thải buộc phải xử lý bằng cách chôn lấp, gây ra tình trạng quá tải tại các bãi rác và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc phân loại chất thải tại nguồn nói chung, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình nói riêng sẽ giúp nâng cao hiệu quả xử lý, biến chất thải thành nguồn tài nguyên để sản xuất điện, làm phân bón... nên cần sớm thực hiện rộng rãi. Muốn vậy, trước hết phải làm chuyển biến nhận thức, ý thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, không thể thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện phân loại chất thải tại nhà, đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, hiện nay, ở nhiều địa phương, việc phân loại chưa đồng bộ với khâu thu gom, xử lý dẫn tới tình trạng tuy chất thải được phân loại tại nguồn nhưng không được thu gom, xử lý đúng quy định, khiến việc phân loại chất thải trở nên vô nghĩa. Do vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đầu tư cải tiến công nghệ, khắc phục bất cập này.

TRUNG HIẾU