Điều đáng nói là có những vụ tai nạn giao thông xảy ra cho dù người đi bộ đi qua đường đúng vạch sơn, hoặc thậm chí ngay cả trên vỉa hè-vốn là không gian dành cho người đi bộ. Những sự việc đau lòng xảy ra đối với người đi bộ nói riêng, các phương tiện tham gia giao thông nói chung đặt ra rất nhiều vấn đề cần suy nghĩ, bàn thảo.

 Ảnh minh họa: Internet.

Thật chẳng muốn so sánh, nhưng nếu không so sánh thì không thấy được đâu là điều hay, đâu là điều dở. So sánh để thấy được cái hay của thiên hạ để học tập, vận dụng; thấy được cái dở để tránh. Biết rằng, ở từng quốc gia sẽ có những yếu tố thuận lợi và khó khăn riêng cả về nhận thức của người dân, cả về hạ tầng trong việc bảo đảm an toàn giao thông đối với người đi bộ. Vì thế, hãy xem các nước có điểm gì hay trong việc bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ để mình học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Đó là, ở nhiều nước, khi trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, người dự thi đều phải thực hành xử lý các tình huống giả định có người đi bộ chuẩn bị qua đường nơi có vạch sơn dành cho người đi bộ. Ngay khi người đi bộ chuẩn bị bước xuống lòng đường, nếu người dự thi không giảm tốc và dừng xe nhường đường cho người đi bộ thì lập tức bị đánh trượt. Còn trên thực tế, nếu không dừng xe nhường cho người đi bộ sang đường, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt rất nặng, có thể mất vài tháng thu nhập.

Xin chỉ nêu lên hai vấn đề rất cụ thể trên để cùng nhau bàn thảo. Phải chăng, với các giải pháp cụ thể ấy đã hình thành nên những giá trị trong văn hóa giao thông; hình thành nên ý thức rất văn minh trong tham gia giao thông của những người điều khiển phương tiện. Bởi văn hóa xã hội, hành vi của xã hội đều được hình thành và khởi nguồn từ văn hóa, từ những hành vi của mỗi con người. Mặt khác, văn hóa xã hội, hành vi của xã hội được hình thành và gắn liền với quá trình giáo dục và thực hành giáo dục con người từ nhỏ tới lớn.

Ở nước ta, khoản 4 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rất rõ nghĩa vụ nhường đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này hầu như rất ít người quan tâm và chấp hành. Người vi phạm cũng hiếm khi bị xử lý. Pháp luật quy định rất rõ ràng như vậy, nhưng do thực thi không nghiêm nên mới dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Điều này phải chăng nó không chỉ hiện hữu trong việc bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông, mà suy rộng ra còn tồn tại ở rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nói đi, nói lại, mọi chuyện suy cho cùng vẫn đều được quyết định bởi con người và vì con người. 

THÙY LÂM