Việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ được sự đồng tình của dư luận xã hội ở thời điểm đó.

Thế nhưng, trong nền kinh tế và trong xã hội đang bộc lộ một vấn đề mới là hiện tượng chây ì trả nợ mà các công cụ pháp luật hiện nay chưa đủ để ứng phó hiệu quả. Trong một số vụ kiện được đưa ra tòa, nguyên đơn cho rằng bị đơn hoàn toàn có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả, có biểu hiện chiếm dụng vốn. Do quy trình thủ tục để thụ lý và xét xử trong vấn đề này còn phức tạp, có những quy định chưa phù hợp nên những vụ kiện như vậy thường kéo dài hàng năm trời, gây mệt mỏi cho nguyên đơn, đến mức chán nản. Một khó khăn rất lớn là phải thu thập đủ chứng cứ việc đương sự có thể trả nợ mà cố tình chây ì, không trả. Trách nhiệm này tòa án đang buộc nguyên đơn phải chứng minh. Cũng chính vì vậy, việc đưa ra tòa án xét xử để thu hồi các khoản nợ tuy là một hành động văn minh, đúng pháp luật nhưng lại rất khó khăn, và càng bất khả thi với các khoản vay nhỏ. Cũng vì thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật là rất phức tạp nên nhiều khi bên vay nợ thiếu thiện chí càng được thể, trì hoãn việc trả nợ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Cho vay và thu hồi nợ là nhu cầu tất yếu trong nền kinh tế và đời sống xã hội, theo nguyên tắc ai cũng hiểu là có vay thì có trả. Khi nguyên tắc này được thực hiện một cách thông suốt thì có tác dụng tích cực, tuy nhiên, khi việc thực hiện vay-trả bị tắc nghẽn sẽ tạo ra nợ xấu và các hoạt động cho vay bị hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, gây xung đột trong xã hội. Hiện tượng chây ì trả nợ đang làm hoạt động cho vay tiêu dùng với các khoản vay nhỏ, sử dụng hình thức tín chấp trở nên rất rủi ro và khó triển khai. Trong khi cho vay tiêu dùng là một giải pháp kích thích rất quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Do đó, cần phải có những quy định hợp lý hơn để tạo thuận lợi cho việc thu hồi nợ theo pháp luật. Trước hết là quy trình thụ lý và xét xử án dân sự, nhất là trong việc thu hồi nợ cần phải được tinh gọn, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian đưa ra xét xử. Cũng cần phải có cơ chế cưỡng chế thi hành án hiệu quả để buộc đương sự phải nhanh chóng thi hành nghĩa vụ trả nợ. Tại một số nước phát triển, việc thụ lý, xét xử các án dân sự liên quan đến vay nợ được giải quyết nhanh gọn, thời gian chỉ tính bằng ngày.

Cùng với đó, đề nghị có thể tham khảo cách thức đánh giá tín nhiệm của công dân. Nếu một công dân có vay nợ kéo dài quá thời hạn thì sẽ bị xếp tín nhiệm thấp, bị hạn chế trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội. Điều này sẽ buộc đương sự phải thu xếp để sớm trả nợ. Cũng theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật pháp ở những nước phát triển hiện nay vẫn cho phép việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chỉ cấm các hành vi đòi nợ sai pháp luật. Từ những thực tế đó, các nhà làm luật và nhà quản lý nên tính toán cơ chế, cách thức phù hợp để việc thu hồi nợ được thực hiện lành mạnh, đúng pháp luật, tránh gây ra hệ lụy xấu.

MINH NGỌC